Ngày 27-3, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi Bộ Tài chính xin ý kiến về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản suất kinh doanh trước tác động của dịch COVID-19. Theo đó, bộ này nêu ra tám giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người lao động, trong đó đáng chú ý là chính sách hỗ trợ người lao động vay tiền để duy trì sinh hoạt.
Cho người lao động vay 2 triệu đồng/tháng
Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ những người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, được vay 2 triệu đồng/người/tháng trong vòng 12 tháng. “Dự kiến số người lao động dùng khoản vay này là 300.000-500.000 lao động. Như vậy sẽ cần đến số tiền 5.500 tỉ đồng - 11.000 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này sẽ do Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay” - Bộ LĐ-TB&XH đề xuất.
Người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được vay 2 triệu đồng/người/tháng trong vòng 12 tháng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bên cạnh đó, bộ này cũng đề xuất xem xét chính sách miễn hoặc tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động và DN. Theo đó, phương án tạm dừng đóng bảo hiểm được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 12-2020. Sau đó, DN và người lao động sẽ đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi đóng chậm. “Phương án này ước tính sẽ thực hiện cho khoảng 250.000-500.000 lao động (tương ứng với 105.000-211.000 DN), với số tiền miễn đóng BHTN từ khoảng 300-600 tỉ đồng…” - Bộ LĐ-TB&XH phân tích.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất hỗ trợ DN đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Mức hỗ trợ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng, liên tiếp trong ba tháng. Việc hỗ trợ này chỉ thực hiện đối với các DN tham gia BHTN và gặp khó khăn vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất dẫn đến nguy cơ cắt giảm lao động hiện có từ 30%, hoặc từ 50 lao động trở lên.… Dự kiến số tiền hỗ trợ cho nhóm này là 1.500-3.000 tỉ đồng
12.800 tỉ Là số tiền ước tính mà các DN sẽ tạm dừng đóng cho người hơn 10,4 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, sẽ có khoảng 2-3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc, 350.000-400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm trong quý II-2020 nếu dịch bùng phát mạnh hơn. Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH |
Cho DN vay để trả lương, không tính lãi
Bộ LĐ-TB&XH cho hay theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2020 đã có 16.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Sang đầu tháng 3, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì một số nhóm ngành đã phải giảm giờ làm. Cụ thể, nhiều DN dệt may thực hiện giãn ca làm việc; dịch vụ vận tải hàng không, đường sắt đường bộ và hoạt động hỗ trợ đã giảm lương 20%-40%, nghỉ luân phiên… Tình hình khó khăn của các DN dự kiến sẽ kéo dài cả sau khi hết dịch.
Biểu đồ số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp hai tháng đầu năm 2020. Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH
Vì vậy, để hỗ trợ các DN gặp khó khăn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho DN vay tiền trả lương cho người lao động nhưng không tính lãi… “Mức vay tối đa bằng kinh phí để thanh toán tiền lương ngừng việc (có thể tính theo mức lương bình quân hoặc mức lương tối thiểu vùng bình quân) phải trả cho người lao động bị ngừng việc và phần người sử dụng lao động phải đóng các loại bảo hiểm bắt buộc…” - Bộ LĐ-TB&XH nêu đề xuất.
Còn theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, hai tháng đầu năm 2020 có 9.400 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, có 2.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch, số DN bị giải thể, phá sản có thể sẽ tăng, dự kiến số lao động trong DN bị giải thể, phá sản khoảng 55.000-110.000 người. “Những DN này cũng cần được ngân sách địa phương tạm ứng để chi trả chế độ thôi việc cho người lao động, sau đó thu hồi từ thanh lý tài sản của DN bị giải thể, phá sản…” - Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giải pháp.
Trang bị khẩu trang, thuốc bổ cho công nhân
Đại diện liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP.HCM, cho biết dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất của DN cũng như đời sống của công nhân lao động. Do đó các cấp công đoàn của TP tiếp tục nắm tình hình cụ thể để có hướng tham mưu cho TP và LĐLĐ cấp trên các biện pháp đồng hành cùng DN, hỗ trợ công nhân lao động trong thời điểm khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN các KCX-KCN TP.HCM (HEPZA), cho biết trước những khó khăn của DN như thiếu nguyên phụ liệu sản xuất, DN phải giảm thời gian làm việc..., hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ có hướng tháo gỡ tìm nguyên liệu thay thế hoặc biện pháp y tế đảm bảo an toàn để nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Ngoài ra, hiệp hội cũng phối hợp với các đơn vị tặng hàng ngàn khẩu trang y tế, thuốc bổ dành cho công nhân lao động để tăng sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe làm việc trong điều kiện dịch bệnh.
Trong khi đó, bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho hay công đoàn đã nắm được một số DN phải lên đề án sắp xếp lại lao động do thu hẹp sản xuất. Công đoàn sẽ bám sát, có kiến nghị hỗ trợ kịp thời cho các DN, đảm bảo lợi ích người lao động trong giai đoạn khó khăn.
Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi hỗ trợ công nhân Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nhân, chủ nhà trọ có điều kiện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công nhân lao động bằng nhiều hình thức như: Miễn, giảm, giãn tiền thuê nhà, trông trẻ; giãn nộp chi phí điện, nước; bán hàng giảm giá... Những hành động ý nghĩa đó sẽ là động lực giúp người lao động vượt qua khó khăn, cùng với DN và cả nước sớm khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế đất nước sau dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã đồng ý cho các DN sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn sáu tháng đầu năm 2020 đến ngày 30-6-2020 (đây là những DN có số lao động phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trở lên trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc). Sau thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 chưa giảm và DN còn khó khăn thì thời gian sẽ được lùi đến ngày 31-12-2020. |