Sukhoi Su-27
Máy bay tiêm kích Su - 27 |
Kênh truyền hình quốc phòng Nga Star dẫn nguồn từ National Interest cho biết máy bay tiêm kích Su-27 (NATO định danh là Flanker) – chiến đấu cơ đa năng, được thiết kế để chiếm ưu thế trên không, với bán kính chiến đấu 750km.
Su-27 là chiếc máy bay tiêm kích một chỗ ngồi, hai động cơ phản lực, thế hệ thứ 4. Những chiếc Su-27 đầu tiên được trang bị cho không quân Nga vào năm 1984. Tháng 8/1990, chiến đấu cơ Su-27 chính thức được trang bị hàng loạt cho không quân Nga.
Theo National Interest, Su-27 của Nga là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với F-15 và F-16 của Mỹ.
Su-27 có tốc độ 2.525 km/h, nhanh hơn so với loại chiến đấu cơ F-16 và F/A-18 của Mỹ (tốc độ F-16 là 2.200 km/h và F/A-18 là 1.900 km/h).
Hệ thống vũ khí của Su-27 gồm 1 pháo GSh-301 cỡ nòng 30mm, cùng nhiều loại tên lửa và bom chuyên dụng được lắp trên 10 giá treo ở 2 cánh và dưới thân.
Su-27 có thể mang 6 quả tên lửa không đối không tầm trung bán tự động dẫn đường bằng radar, hai tên lửa tầm nhiệt, 6 tên lửa đối không tầm trung dẫn đường và 6 tên lửa tầm nhiệt tầm ngắn.
Ngoài ra, Su-27 còn có thể mang theo bom kích cỡ 500kg, 250kg hoặc 100kg để tiêu diệt các mục tiêu trên bộ hoặc các loại tên lửa đối đất khác.
Tiêm kíchMiG-29
Chiến đấu cơ MiG-29 |
Được NATO định danh là Fulcrum, MiG-29 là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất do Liên Xô sản xuất. MiG-29 nhỏ hơn so với Su-27 và không thể cạnh tranh được với Su-27 về bán kính chiến đấu cũng như tốc độ, song Mig-29 lại vượt trội và nổi tiếng về khả năng cơ động của nó.
MiG-29 là máy bay tiêm kích đa nhiệm thế hệ thứ 4, được đánh giá là một trong những máy bay chiến đấu phản lực tốt nhất của không quân Nga.
MiG-29 được thiết kế để đóng vai trò chiếm ưu thế trên không trong khu vực tác chiến; để bảo vệ các đơn vị quân đội và các cơ sở hậu cần khỏi các cuộc không kích của đối phương; cũng như đối phó với các hoạt động do thám trên không của đối phương trong suốt cả ngày và đêm, và trong mọi điều kiện thời tiết.
Ngoài việc hủy diệt các mục tiêu trên không ở cự ly trung bình và ngắn, MiG-29 còn có thể đánh trúng các mục tiêu động và tĩnh trên bộ và trên biển.
MiG-29 được thiết kế để đối đầu với những loại máy bay tiêm kích mới của Mỹ như F-16 Fighting Falcon, F/A-18 Hornet và Mirage 2000. Trong nhiều khía cạnh MiG-29 được đánh giá là “cấp trên” của các đối thủ.
Tiêm kích MiG-29 có chiều dài 17,37m, sải cánh 11,4m, trọng lượng rỗng 11.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 21.000kg. MiG-29 trang bị hai động cơ Klimov RD-33, sức đẩy 81.4 kN mỗi chiếc.
MiG-29 được trang bị 1 pháo GSH-30-1 cỡ nòng 30mm với cơ số đạn150 viên. Máy bay mang được trọng lượng vũ khí 3.500 kg bao gồm 6 tên lửa không đối không loại AA-8 Aphid, AA-10 Alamo, AA-11 Archer, AA-12 Adder, bom FAB 500-M62, FAB-1000, TN-100, ECM Pods, S-24, AS-12, AS-14.
Tiêm kíchSu-35
Máy bay chiến đấu Su-35 |
Chiến đấu cơ Su-35 được NATO định danh là Flanker-E, là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, thuộc thế hệ 4++ do Tập đoàn Sukhoi thiết kế, phát triển.
Su-35 có tốc độ tối đa – 2400km/h, nhỏ hơn so với Su-27, song nó lại có bán kính chiến đấu rất ấn tượng – 1600 km (gấp đôi bán kính chiến đấu của Su-27).
Tiêm kích Su-35 có tầm bay tối đa 3.400 km, (chưa tính tiếp dầu trên không), được trang bị 1 khẩu pháo 30 mm và 12 điểm treo vũ khí, có thể mang theo 8 tấn vũ khí bao gồm tên lửa và bom điều khiển chính xác.
Ngoài hệ thống tên lửa không đối không chủ lực, Su-35 cũng được trang bị tất cả các loại vũ khí tối tân nhất của Nga như tên lửa tấn công ngoài khu vực phòng không, tên lửa chống hạm, tên lửa chống radar, bom điều khiển chính xác và bom không điều khiển.
Việc chế tạo Su-35S đã áp dụng rất nhiều công nghệ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 nên Su-35 được coi là thế hệ 4++, tiệm cận với tính năng của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Sukhoi T-50 PAK FA.
Theo các chuyên gia, hiện trên thế giới không có loại máy bay thế hệ thứ 4 nào xứng đáng là đối thủ của Su-35, thậm chí là cả máy bay thế hệ thứ 5 cũng khó mà ngăn chặn được nó.
Siêu tiêm kích T-50 PAK FA
Siêu tiêm kích Su T-50 PAK FA |
Chiến đấu cơ Su T-50 PAK FA là dòng máy bay tiêm kích, tàng hình thế hệ thứ năm. Siêu tiêm kích này đạt tốc độ tối đa 2600km/h, vượt trội hơn so với các phiên bản trước.
T-50 là chiến đấu cơ có khả năng cơ động "siêu phàm", khó bị radar phát hiện, có thể chiến đấu hiệu quả ở bất cứ khoảng cách nào, tấn công cả mục tiêu trên không lẫn trên bộ.
Với việc trang bị tên lửa tầm xa, tầm trung và tầm ngắn, tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su T-50 có thể thực hiện tác chiến trên không ở bất kỳ khoảng cách nào. Tên lửa tầm xa R-37 đã đạt kỷ lục thế giới, bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 304km.
Còn tên lửa tầm trung RVV-SD được NATO gọi là rắn lục, đầu đạn của nó sử dụng các thanh kim loại với chất tích tụ thu nhỏ. Các thanh kim loại được nối với nhau để khi nổ tạo nên vòng cung mở rộng, cắt đứt mục tiêu. Tên lửa tầm ngắn RVV-MD còn có thể dùng để chống tên lửa.
Ngoài ra, Su T-50 có thể thực hiện tấn công hiệu quả các mục tiêu trên bộ bằng tên lửa Kh-29, Kh-31P (diệt radar), trên biển bằng tên lửa Kh-31A, Kh-35.
Một số quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ thậm chí còn cho rằng siêu tiêm kích T-50 PAK FA của Nga nhanh hơn nhiều so với F-35 của họ.
Tupolev Tu-160
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 "thiên nga trắng" |
Được NATO định danh là “thiên nga trắng”, Tu-160 là máy bay ném bom chiến lược, hạng nặng, tầm xa, siêu thanh, mạnh nhất trong lịch sử hàng không quân sự của dòng máy bay siêu âm và là máy bay chiến đấu hạng nặng nhất trên thế giới, có trọng lượng cất cánh tối đa lớn nhất trong số các máy bay ném bom.
Tu-160 có tốc độ tối đa đạt 2.220 km/h, vượt trội hơn so với các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ như Lancer B1-B (1.448 km/h) và B-52 (1.000 km/h).
Bán kính chiến đấu của Tu-160 khá ấn tượng -7300 km. Ngoài ra, Tu-160 có thể mang vũ khí hạt nhân và thông thường.
Tu-160 có 2 khoang chứa vũ khí bên trong thân có khả năng mang tải trọng 20 tấn/khoang. Mỗi khoang này có khả năng mang theo 6 tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm siêu xa Kh-55SM.
Tính đến thời điểm này, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới sử dụng loại máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Dự kiến, Nga sẽ sản xuất thêm khoảng 50 chiếc Tu-160 hiện đại và sẽ đặt tên là Tu-160M2, thời gian sản xuất dự kiến sẽ bắt đầu sau 8 năm nữa.
Cuối cùng, National Interest kết luận rằng nhiều quốc gia trên thế giới thích các loại máy bay chiến đấu của Nga hơn so với các loại chiến đấu cơ của Mỹ hoặc châu Âu.
Máy bay hiến đấu của Nga được đánh giá là có những tính năng kỹ - chiến thuật hấp dẫn hơn so với các loại tương tự của Mỹ và phương Tây, cũng như là về giá cả.
Theo Đức Dũng (Infonet)