Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Đại học Michigan, người thường xuyên chia sẻ thành quả tập luyện trên FB lại không tập nhiều hơn người "im lặng" tập luyện. Và khảo sát khác trên nữ giới bậc đại học cho thấy người so sánh cơ thể mình với bạn bè trên FB cũng có nguy cơ ăn uống "phá rào" nhiều hơn.
Các chuyên gia cho rằng bạn nên chia sẻ các quá trình giảm cân của mình, tìm đọc các bài viết hướng dẫn, gợi ý để tìm cảm hứng giảm cân. Tuy nhiên, bạn nên tránh 5 sai lầm sau đây:
1. "Tuyên bố" mục tiêu cho tất cả mọi người
Bạn đặt mục tiêu rất lớn và cho tất cả mọi người đều thấy. Nhưng dù việc đăng bài về một mục tiêu "khó thực hiện" rất hấp dẫn, nó cũng không giúp cho bạn thực hiện được mục tiêu đó – Ngược lại, bạn còn có thể cảm thấy tâm trạng ngày càng xấu hơn nếu bạn không thể đạt được mục tiêu này. Bạn sẽ cảm thấy xấu hổ mỗi lần ăn uống, và cuối cùng sẽ bỏ dở tất cả hoàn toàn vì đã thất bại trước mặt mọi người.
Bạn nên đăng về những thành công nho nhỏ hơn là những thành quả bạn muốn đạt được. Bạn có thể đăng về thời gian tập luyện đã kéo dài lâu hơn, bạn mặc lại được quần áo cũ… để tâm trạng bạn được phấn chấn mỗi lần đọc lại và giữ vững quyết tâm.
2. Cập nhật trạng thái trong khi đang tập luyện
Những người "check in" trước khi tập và đăng bình luận trong khi đang tập thường là những người chú tâm đến việc "xây dựng hình ảnh" hơn là đặt nỗ lực thực sự để đạt kết quả tốt.
Một nghiên cứu của Đại học bang Kent cho thấy khi con người dùng điện thoại trong khi tập, sự tập trung cao độ trong lúc tập cũng giảm sút, khiến ít calo bị đốt cháy và có ít lợi ích cho sức khỏe hơn.
Bạn nên để điện thoại trong túi hoặc tủ khóa kín để không bị thôi thúc phải cầm nó lên lúc đang tập luyện.
3. Xem quá nhiều hình ảnh thức ăn
Hình ảnh các món ăn ngon lành không chỉ khiến bạn thích thú mà còn "khuyến khích" bạn ăn chúng nhiều hơn.
Mạng xã hội có thể phá hỏng chế độ ăn của bạn chỉ bằng cách đăng "tràn ngập" hình ảnh các món ăn để kích thích thị giác, chậm rãi "xây dựng" ý nghĩ rằng thức ăn là điều đầu tiên quan trọng nhất trong tâm trí bạn. Những hình ảnh đẹp mắt còn khiến các bữa ăn thường ngày của chúng ta trở nên đơn điệu hơn.
Bạn nên nhẩm tính số calo trong những bức ảnh thức ăn ấy, và nhắc nhở mình rằng chúng không thích hợp với bạn. Bạn nên theo dõi các blogger ầm thực và bạn bè thường hay làm các món ăn gia đình.
Chế độ ăn lành mạnh xây dựng cho bạn thói quen ăn những gì cơ thể cần và điều khiển "tín hiệu" của cơ thể với thức ăn. Bạn cũng nên tránh các "nguồn kích thích" dễ khiến bạn có những lựa chọn không tốt.
4. So sánh quá trình của mình với người khác
Bạn không thể tránh việc so sánh quá trình giảm cân của bạn với người khác. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng việc so sánh chỉ khiến bạn có cảm giác thất bại hơn. Bạn có thể đã ăn kiêng và tập luyện 1, 2 tuần nhưng chưa thấy kết quả, và nhìn thấy một tấm hình thon thả của bạn bè sẽ khiến tâm trạng bạn xấu đi, muốn vứt bỏ nỗ lực giảm cân ngay lập tức.
Trên mạng xã hội, bạn dễ dàng cảm thấy người khác thành công hơn mình. Dù việc ngầm so sánh là không thể tránh khỏi, bạn nên tự nhắc nhở mình rằng việc giảm cân là tốt cho bạn. Bạn giảm cân vì sức khỏe của chính mình, và những so sánh ấy là không cần thiết.
5. Thử những phương pháp giảm cân bất lợi mà bạn bè gợi ý
Chia sẻ việc giảm cân trên mạng xã hội có thể đem theo rắc rối. Có quá nhiều phương pháp giảm cân mà mọi người theo đuổi, và mỗi người đều có chế độ ăn uống, cách ăn khác nhau. Và khi mọi người đều đăng bài về phương pháp họ đang theo hoặc muốn khuyến khích người khác theo, bạn có thể bị xao lãng, bối rối.
Bạn nên lánh khỏi "nơi ồn ào" và tuân thủ đúng phương pháp mình đã định. Nếu cảm thấy nghi ngờ phương pháp mình đang theo vì đọc bài trên mạng xã hội, hãy nhớ lại tại sao bạn chọn phương pháp này, và nó có tác dụng hay không. Bạn đừng nên so sánh, chỉ tập trung vào chính mình.