Thực hiện Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170 về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trong đó, việc lấy ý kiến tập trung vào các nhóm nội dung sau:
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Để tăng cường công khai, minh bạch, đảm bảo hiệu quả và tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chính phủ lấy ý kiến về một số nội dung gồm: Lấy ý kiến và công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 68, 73 dự thảo Luật; về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại Điều 71 dự thảo và về việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 74 dự thảo Luật.
Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Đề nghị cho ý kiến về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; các tiêu chí, điều kiện đã quy định trong dự thảo Luật.
Ngoài ra, cho ý kiến về Điều 85 của dự thảo Luật quy định cụ thể về việc lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ; khoản 2 Điều 89 về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thông qua quy định trước khi thu hồi đất phải xây dựng khu tái định cư…
Về phát triển quỹ đất
Thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW về hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất… dự thảo Luật đã bổ sung Chương VIII nhằm xây dựng cơ chế phát triển quỹ đất, bảo đảm sự chủ động của Nhà nước trong việc phân bổ đất đai theo quy hoạch, chủ động quỹ đất điều tiết thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất
Tại Điều 125 dự thảo Luật quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất. Chính phủ đề nghị cho ý kiến về các trường hợp và các tiêu chí, điều kiện giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Đồng thời, cũng cho ý kiến đối với:
- Các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tại Điều 126 của dự thảo Luật.
- Các trường hợp và các điều kiện để giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
- Các trường hợp Nhà nước cho thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê tại Điều 120.
- Các trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất tại Điều 128.
- Thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng tại Điều 122.
- Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai
Dự thảo Luật (Chương X) đã bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc hoàn thành đăng ký đất đai đối với tất cả các thửa đất, tăng cường trách nhiệm của người sử dụng đất thông qua việc quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, người được giao đất quản lý; quy định về đăng ký đất đai trên môi trường điện tử (đăng ký trực tuyến); quy định chế tài xử lý mạnh mẽ đối với chính quyền địa phương các cấp không thực hiện tổ chức đăng ký đất đai bắt buộc; đối với người sử dụng đất, người được giao đất quản lý không hoặc chậm thực hiện việc đăng ký, ngăn chặn các trường hợp giao dịch không thực hiện đăng ký (giao dịch ngầm); …
Về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất
Chính phủ đề nghị cho ý kiến đối với các quy định về thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Khoản 3 Điều 150 dự thảo); các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 152); nguyên tắc, phương pháp định giá đất (Điều 153); về thời kỳ bảng giá đất, các trường hợp áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 154).
Về chế độ quản lý, sử dụng các loại đất
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật đã bổ sung quy định liên quan đến quyền của người sử dụng đất, chế độ sử dụng các loại đất, để lấy ý kiến người dân: Bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”; về gia hạn thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao đất, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức.
Ngoài ra, lấy ý kiến về việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp (Điều 171); về việc bổ sung quy định một số loại đất được sử dụng kết hợp với mục đích khác nhằm phát huy nguồn lực, tiềm năng đất đai…
Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực
Điều 225 của dự thảo Luật quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho Tòa án nhân dân giải quyết; UBND các cấp không giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý. Chính phủ đề nghị cho ý kiến về hướng quy định này vì cũng có ý kiến cho rằng nên giữ như quy định hiện hành đối với trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì được lựa chọn cơ quan giải quyết là Tòa án nhân dân hoặc UBND.
Về hộ gia đình sử dụng đất
Dự thảo Luật quy định theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần tiếp tục duy trì quy định về hộ gia đình trong dự thảo. Vì vậy, Chính phủ đề nghị cho ý kiến đối với quy định liên quan đến việc bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất.
Bạn đọc có thể góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại đây:
https://luatdatdai.monre.gov.vn/tham-van-du-thao-luat
Tải Toàn văn Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):