Năng lực giáo viên còn yếu, học sinh (HS) chịu áp lực nặng từ chương trình học, kiểm tra đánh giá còn lạc hậu... là những yếu tố khiến chất lượng dạy và học tiếng Anh hiện nay còn thấp.
Điểm thấp là tất yếu
Tại cụm do Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tổ chức có hơn 16.000 thí sinh dự thi thì hơn 10.000 em điểm tiếng Anh dưới trung bình. Cụm thi do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức cũng tương tự, toàn cụm có hơn 17.000 thí sinh dự thi nhưng số thí sinh có môn tiếng Anh dưới trung bình cũng đã chiếm đến hơn 10.000. Một số chuyên gia cho rằng kết quả này đã phản ánh tương đối đúng thực trạng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông hiện nay.
ông Bùi Minh Tuấn, một giáo viên dạy tiếng Anh tại quận 7 (TP.HCM), cho rằng kết quả này sẽ còn kéo dài ít nhất vài năm nữa vì đầu tư cho tiếng Anh những năm gần đây của TP chủ yếu cho những cấp học dưới, bậc THPT còn rất hạn chế.
“Bởi lẽ học tiếng Anh hiện nay cũng không khác nào môn học thuộc, chỉ để đối phó với kiểu kiểm tra đọc, viết đã quá lạc hậu” - ông Tuấn nói.
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cũng nhìn nhận môn tiếng Anh chỉ 3-4 tiết/tuần là quá ít để HS có thể hiểu, ghi nhớ và thực hành. Trong từng đó thời gian, giáo viên cũng chỉ truyền tải được những kiến thức cơ bản: Đọc từ mới, ngữ pháp, nghe vài câu... Giáo viên dạy môn này cũng đau đầu theo HS. Vì là môn bắt buộc nhưng trò không thích học, giáo viên nhiều lúc không biết làm sao ngoài cách tự ra đề bài rồi tự giải bằng tiếng Việt hết cho xong. “Cứ vậy có điểm cao mới lạ chứ thấp là bình thường. Đó chỉ mới là điểm trắc nghiệm dạng đọc, viết thôi chứ nếu thi thêm nghe và nói thì sẽ còn “choáng” hơn, nhất là ở khu vực điều kiện học còn nhiều khó khăn” - vị này phân bua.
Học sinh một trường THCS tại TP.HCM đang học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. (Ảnh chỉ mang tính minh họa). ảnh: HÀ AN
Phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá
Vừa rồi TP.HCM có đề xuất với Bộ GD&ĐT về việc cho TP tổ chức khảo thí trình độ tiếng Anh của HS theo bốn kỹ năng nghe-nói-đọc-viết (không xét việc hoàn thành môn học theo cơ cấu điểm số như hiện nay). Nhiều giáo viên cho rằng đây là hướng đi đúng. Tuy nhiên, để làm được TP sẽ phải đầu tư rất lớn về đội ngũ, trang thiết bị, phương thức giảng dạy... mới có thể thực hiện được.
Cô NTN, giáo viên tiếng Anh tại một trường THPT ở TP.HCM, cho rằng đáng lo nhất là những gì các em học không thể vận dụng được. Điểm số theo hình thức trắc nghiệm dạng đọc, viết chỉ thể hiện HS nắm kiến thức cơ bản được bao nhiêu thôi. “Các em cần được nghe, nói nhiều, tương tác nhiều, rèn luyện nhiều kỹ năng. Từ đó, cách khảo thí để đánh giá cũng phải khác chứ không cào bằng như các môn học khác” - cô N. nói.
TS Trần Thị Minh Phượng, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng để học tốt tiếng Anh người học phải thường xuyên rèn luyện các kỹ năng một cách chủ động. Muốn vậy, chương trình ở THPT phải được giảm tải. Bởi hiện nay HS phải học quá nặng và liên tục đối phó với các kỳ thi, các đợt kiểm tra nên không chủ động tiếp nhận kiến thức và hứng thú học nữa. Về người dạy, giáo viên phải ôm đồm quá nhiều công việc liên quan như sổ sách, thi đua... trong khi thu nhập lại thấp. Điều này dẫn đến giáo viên thường lo nâng cao thu nhập hơn là lo nâng cao chuyên môn.
“Qua đợt khảo sát năng lực giáo viên theo khung tham chiếu châu Âu cho giáo viên tiếng Anh của 30 tỉnh, thành do Bộ GD&ĐT thực hiện thì chỉ 3% giáo viên THPT và 7% giáo viên tiểu học, THCS đạt chuẩn theo đề án tiếng Anh 2020. Giáo viên cũng thiếu tự tin, chủ động khi soạn đề kiểm tra đánh giá HS” - TS Phượng cho biết.
theo TS Phượng, để nâng chất lượng đầu vào và đầu ra, phải tiến hành một cách đồng bộ các biện pháp kiểm tra, đánh giá, nâng cấp trang thiết bị và quan trọng nhất là con người - khâu đào tạo giáo viên.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng phải làm trong năm học 2016-2017 là nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học. Cụ thể, tiếp tục bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; hoàn thiện chương trình, tài liệu, sách giáo khoa, hệ thống học liệu ngoại ngữ trực tiếp và trực tuyến đáp ứng mục tiêu đào tạo...; triển khai đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra… Xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam. Với mỗi lộ trình cần nghiên cứu và xây dựng các nguồn lực cần huy động, các hoạt động cần triển khai và các kết quả cần đạt được. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT PHẠM MẠNH HÙNG báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai năm học mới 2016-2017 vừa vua 3,48 là điểm trung bình của môn tiếng Anh tại kỳ thi THPT Quốc gia 2016 ở 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Số bài thi dưới điểm trung bình khoảng 90%. Ngay TP.HCM, theo tính toán sơ bộ kết quả tại bốn cụm thi, có khoảng 60% thí sinh có điểm thi tiếng Anh dưới trung bình. |