Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông gồm chín tập do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Sử học Việt Nam biên soạn đã bị họ Trần Việt Nam phản ứng vì cho rằng có một nhân vật hư cấu, không hề có thật.
Cụ thể, trong tập 3, giai đoạn từ thế kỷ X đến năm 1593 (do PGS-TS Nguyễn Minh Tường làm chủ biên) phần viết về nhà Trần (1225-1400) có chi tiết bị họ Trần phản ứng là nhân vật cha ruột của thái sư Trần Thủ Độ.
Ai sinh ra thái sư Trần Thủ Độ vẫn là tồn ghi
Trong thư trả lời về cuốn sách, PGS-TS Nguyễn Minh Tường (chủ biên) khẳng định: “Nếu như ai đó có những tư liệu mới, chứng cứ đủ thuyết phục về người cha của thái sư Trần Thủ Độ, tôi sẽ tiếp thu kết quả nghiên cứu mới đó và sẵn sàng từ bỏ nhận định nói trên của mình. Điều đó xảy ra khi sách lịch sử phổ thông tập 3 được tái bản. Khi đó chúng tôi sẽ chỉnh sửa cho đúng với thực tế lịch sử Việt Nam vào đầu thế kỷ VIII”.
Để làm rõ hơn vấn đề này, ông Đặng Hùng (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tác giả cuốn sách Long Hưng đất phát nghiệp vương triều Trần, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử vùng đất Thái Bình) đã có một số ý kiến trao đổi.
Theo đó, bằng việc dẫn ra nhiều tư liệu lịch sử, ông Đặng Hùng khẳng định: Ai là thân sinh của Trần Thủ Độ thì vẫn là vấn đề tồn ghi. Việc có tác giả cho rằng Trần Hoằng Nghị là thân sinh của Trần Thủ Độ, thiết nghĩ chưa đủ cơ sở khoa học và không đáng tin cậy vì không có tài liệu lịch sử nào nhắc tới nhân vật Trần Hoằng Nghị và cũng chưa có một phát hiện nào về văn bản gốc, văn bia, thần sắc, thần phả, khảo cổ học… đủ để chứng minh thuyết phục rằng Trần Hoằng Nghị là thân sinh của Trần Thủ Độ.
Ngay tác giả Dương Quảng Châu cũng chỉ dựa vào lời truyền khẩu theo ký ức của hậu duệ họ Trần ở làng Mẹo (sống ở thế kỷ XX), chính ông cũng không có được các bằng chứng cơ sở khoa học đáng tin cậy như thần tích, thần phả, thần sắc, văn bia hay tư liệu khảo cổ học… để chứng minh quan điểm của mình.
Bìa cuốn sách bị dòng họ Trần Việt Nam phản ứng vì cho rằng chi tiết cha ruột thái sư Trần Thủ Độ không đúng.
Không nên đánh tráo khái niệm
Trước câu hỏi có nên đưa sự kiện này lên diễn đàn lịch sử hoặc yêu cầu Bộ VH-TT&DL - Viện Sử học - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Thái Bình trả lời và giải đáp, ông Đặng Hùng bày tỏ: “Tôi nhớ lại trong cuộc hội thảo năm 2007 về Trần Hoằng Nghị, có vị trong Hội Sử học nói nếu như không có cụ Trần Hoằng Nghị thì con cháu họ Trần vẫn có quyền lập đền thờ tổ tiên. Đây quả thật là một sự đánh tráo khái niệm vì theo tôi nghĩ cuộc hội thảo là nhằm để xác định rõ một cách có cơ sở khoa học rằng Trần Hoằng Nghị có phải là thân sinh của Trần Thủ Độ hay không? Và Trần Hoằng Nghị là thiên thần hay nhân thần chứ không phải là cuộc hội thảo bàn về vấn đề có cho phép họ Trần xây đền miếu thờ tổ tiên của mình hay không".
Từ đó, ông Hùng cho rằng thiết nghĩ con cháu bất cứ một dòng họ nào cũng đều có quyền xây dựng nơi thờ tổ tiên của mình mà cũng chưa đến nỗi phải nhờ Hội Sử học tổ chức hội thảo về vấn đề này.
“Trong hội thảo có vị còn nói tại sao hàng chục năm nay không có ai thắc mắc về tư liệu của cụ Dương Quảng Châu là đúng hay sai? Thật ra không có điều kiện, cơ hội và cũng chẳng có một cơ quan tổ chức nào kể cả cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm phát hành sách tổ chức hội thảo khẳng định về giá trị nội dung của cuốn sách đó một cách rộng rãi, minh bạch. Do đó, ở hội thảo năm 2007 chúng tôi mới có điều kiện để tham gia tranh luận về những tư liệu của cụ Dương Quảng Châu là đúng hay sai” - ông Hùng nói.
"Điều cốt yếu như tôi nói ở trên là phải thực sự trung thực, say mê nhưng cần dũng cảm, tỉnh táo và đủ nghị lực để nhận rõ nếu tư liệu của mình sai thì sửa ngay vì thế phải nhận thức" - ông Đặng Hùng nói.