“Ai mới thật sự là người bị hại trong vụ đại án 9.000 tỉ đồng?”. Đó là câu hỏi do nhiều luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo là cán bộ, nhân viên Ngân hàng VNCB đặt ra tại phiên xử ngày 19-8 vụ Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm.
Bào chữa cho Doãn Quốc Long, Nguyễn Quốc Sơn (bị truy tố về tội vi phạm các quy định về cho vay, VKS đề nghị phạt 6-7 năm tù), LS đề nghị cho hai bị cáo này hưởng nguyên tắc có lợi của BLHS mới và tuyên không có tội. Bởi các hành vi vi phạm của hai bị cáo không phải là hành vi được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cũng không nằm trong các hành vi vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo BLHS mới.
Bị cáo Phan Thành Mai, nguyên tổng giám đốc VNCB, người bị VKS đề nghị phạt 24-26 năm tù. Ảnh: HOÀNG YẾN
LS bào chữa cho Huỳnh Nguyên Sang và Võ Ngọc Nguyễn Bình (bị VKS đề nghị 6-7 năm tù) cũng cho rằng hành vi của bị cáo không phạm tội. Vụ án xảy ra áp dụng theo BLHS 1999, đến BLHS mới chưa có hiệu lực khi vụ án xảy ra thì cụm từ “hành vi khác” hết sức mơ hồ đã được bỏ.
Các LS đề nghị HĐXX lưu tâm, cân nhắc việc có hay không sai phạm trong hoạt động tín dụng. Bởi với vai trò cán bộ tín dụng, các bị cáo đã làm đúng trách nhiệm.
LS của bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB, bị VKS đề nghị 24-26 năm tù) nhấn mạnh trong vụ án này phải xác định ai là người thiệt hại. Bởi điều này rất quan trọng, nó liên quan đến số phận pháp lý của hàng chục con người.
Theo LS này, VNCB không mất gì vì khi nhận tái cơ cấu đã âm vốn nên nói VNCB mất tiền là không đúng. Người bị thiệt hại chính là các cổ đông, trong đó Tập đoàn Thiên Thanh của ông Danh (sở hữu gần 85% cổ phần) là người bị thiệt hại nhiều nhất.
Thực trạng ngân hàng khi ông Danh nhận tái cơ cấu là không có khả năng thanh khoản, lấy đâu ra mà có lãi; mua ngân hàng chính xác là mua nghĩa vụ nợ. VNCB tồn tại được đến ngày hôm nay là nhờ tiền của ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.
LS cho rằng bị cáo Mai bị luận tội đồng phạm giúp sức với Danh nên cần làm rõ các hành vi của Danh rồi mới xét đến hành vi của Mai. Từng hành vi phải phân tích, mổ xẻ để xem có tội hay không. Và các quy kết tội của Mai phải tính từ thời điểm bị cáo được bổ nhiệm chứ không thể lôi những sai phạm trước để quy kết...