Trong những số báo trước Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh tình trạng bi thảm của các nạn nhân của tình trạng cho vay lãi nặng.
Sau khi các bài báo đăng tải, fanpafe PLO nhận được dòng chia sẻ của một nạn nhân khác. Lần này anh liên hệ báo không phải để kêu cứu mà muốn trải lòng cho mọi người hiểu về cuộc sống đen tối của những người vướng phải tín dụng đen.
Dính nợ từ một lần thua độ
Anh HTS (TP.HCM) xuất thân trong một gia đình khá giả, có nhà, có xe hơi, mô tô. Thế nhưng cuộc sống của anh đã bước sang một trang khác tối màu kể từ khi anh vay tiền của tín dụng đen.
“Tôi hiện là một nhân viên làm việc cho một công ty của nhà nước (làm theo ca), công tác đã hơn 10 năm nay. Tôi có gia đình, một vợ và hai con. Cách đây khoảng bốn năm, trong một lần cá độ thua đã dẫn tôi đến việc mang nợ nần khắp nơi”.
Ban đầu anh S. xoay xở tiền từ những người thân và bạn bè, lâu dần số nợ vay người thân, bạn bè đó cũng phải trả nên anh đã đi vay của những người ngoài xã hội.
Hình thức vay không có gì xa lạ, cũng là những gói vay ngắn hạn, người vay phải trả theo ngày. Có những đầu nợ phải vay lãi suất cao đến 15%/tháng, chỉ cần anh chậm trả một ngày là bị truy lùng, đánh đập, tạt sơn vào nhà.
Anh S. thường gọi những người cho mình vay là “đầu nợ”. Thời điểm cao nhất anh đã vay của 21 đầu nợ. Ngồi tổng kết lại số tiền nợ và lãi anh phải gồng mình gánh trả trong bốn năm cũng lên con số gần 10 tỉ đồng.
Anh HTS ngậm ngùi nhớ lại hành trình bốn năm qua chung sống với tín dụng đen. Ảnh: ĐẶNG LÊ
Có thời điểm anh bị một lúc 10 đầu nợ đứng trước cửa nhà đòi tiền, bao vây nhà, khóa trái cửa suốt nhiều ngày.
Không thiếu những lần anh bị các đối tượng truy lùng, truy sát, lần nào tóm được thì bị đánh, có lần anh bị đánh ngay trước mặt con. Có năm đêm 30 tết anh bị tạt sơn, tạt mắm tôm, chất bẩn vào nhà.
“Khi nhìn lại tôi thấy mình đã mất quá nhiều thứ, mất bạn bè; vợ con, gia đình chịu cực khổ… Đứa con trai thứ hai nay bảy tháng tuổi nhưng gia đình đã phải chuyển trọ ba lần trước sự truy lùng của các đầu nợ. Với thu nhập hiện tại, tôi cũng gồng mình lên cố gắng trả hết phần còn lại để chấm dứt kiếp nạn này” - anh S. nói.
Những phút giây bình yên ngắn ngủi
Anh S. kể lại: “Hằng ngày chạy vạy xoay xở ăn không dám ăn, mặc không dám mặc để đóng tiền trả nợ. Thời điểm chưa có giao dịch chuyển khoản qua điện thoại, tôi phải tới tận nơi để trả cho các đầu nợ. Hôm thì trả ở quận 3, quận 6, quận 11, Bình Thạnh, Bình Tân chạy qua chạy lại cũng mất hơn 3 giờ chỉ để đi trả tiền, có khi 11 giờ đêm mới về tới nhà. Hiếm hoi có hôm 5 giờ chiều trả xong nợ trong ngày thì vui vẻ, đầu óc thoải mái về ăn cơm với vợ con”.
Hai khoảng thời gian mà anh S. được cho là thoải mái và bình yên nhất là những ngày trả nợ xong sớm về nhà ăn cơm với vợ con và dịp tết Nguyên đán. Bởi lẽ đến tết thì các đầu nợ nghỉ làm từ 10 đến 15 ngày, khoảng thời gian đó hằng ngày anh không phải xoay tiền để trả.
Bốn năm sống chung với tín dụng đen, anh S. chia sẻ đã từng có lần nghĩ đến cái chết vì áp lực quá lớn nhưng chết đi cũng không giải quyết được vấn đề gì khi còn có vợ và hai con nhỏ.
Ngoài việc làm ca ở cơ quan nhà nước, anh còn làm công việc môi giới ô tô, xe máy bên ngoài nên xoay xở trả dần nợ trong suốt thời gian qua.
Trò chuyện với PV Pháp Luật TP.HCM, anh S. tỏ rõ quyết tâm sang năm có thể dứt điểm được tín dụng đen. Thế nhưng những ám ảnh về tệ nạn cho vay tín dụng đen của anh là cả một quá trình đau đớn và nhục nhã.
“Mình trót sai thì phải chịu trả giá. Tôi chỉ mong đừng ai dại dột dính đến những khoản vay dễ dàng, nhanh gọn để rồi sau đó phải trả giá cả đời” - anh S. nói.
Các bài viết về tình trạng bất an của những người dính phải tín dụng đen sau khi đăng tải đã nhận được nhiều bình luận của bạn đọc. Nhiều ý kiến mong muốn chính người đi vay hãy tự cứu mình. • “Thủ đoạn nham hiểm nhất của chủ cho vay lãi nặng đẩy người vay vào vòng tròng không thoát được là: Đến ngày thanh lý hợp đồng, chúng tránh mặt với vô số lý do, người đi vay dù có đến cũng không thanh lý được vì không ai làm chứng, lập biên bản vì sự vắng mặt có chủ ý của chúng, buộc chúng phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng là điều không tưởng. Vì thế người đi vay trên giấy tờ hợp đồng là người trả chậm, sai hợp đồng và thế là chúng căn cứ vào hợp đồng buộc con nợ chịu phạt phải trả lãi cao, không bao giờ thoát nợ để nuôi chúng.” Lê Na • “Khi vay có người nào cho cơ quan pháp luật biết không? Đến khi rắc rối lại hỏi chính quyền, cơ quan pháp luật ở đâu.” Phước • “Đề nghị luật quy định tất cả giao dịch của những người có hoạt động cho vay hưởng lãi suất phải đăng ký với công an khu vực. Nội dung đăng ký là lãi suất cho vay và cho đối tượng nào vay. Nếu không đăng ký khi có tranh chấp thì hợp đồng không có giá trị pháp lý. Tôi đố tụi cho vay tín dụng đen còn đất sống.” Tú |