Vụ vay 50 triệu trả 20 tỉ: Biết rủi ro, đừng nên lao vào

Ngày 23-12, báo Pháp Luật TP.HCMcó bài viết "Vay 50 triệu nhưng phải trả hơn 20 tỉ". Trong buổi sáng cùng ngày, qua đường dây nóng và fanpage của báo, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi, ý kiến của bạn đọc. Nhiều người cho biết họ cũng đang rơi vào tình trạng túng quẫn tương tự.

Bài viết phản ánh hai trường hợp là nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi, họ vay số tiền nhỏ nhưng nếu chậm nộp lãi hằng ngày thì sẽ bị lãi chồng lãi với số tiền lên đến cả tỉ đồng.  

Hai trường hợp trong bài viết đó là của chị NTPT (phường Trung Mỹ Tây, quận 12), ban đầu vay 60 triệu đồng của một người đàn ông tên Trường không rõ lai lịch với hình thức vay trả góp trong 40 ngày, lãi suất là 20%/40 ngày và phải trả theo ngày.

Nếu không trả đúng hạn, chị T. sẽ bị liên tiếp những số điện thoại gọi tới đòi nợ, đe dọa và khủng bố tinh thần. Không còn cách nào khác, chị T. phải vay tiền của những người được cho là trong cùng một đường dây đó để trả cho các đối tượng này, vay của người sau để trả cho người trước. Chỉ hơn một năm từ số tiền vay 60 triệu đồng, chị T. đã nợ hơn 7 tỉ đồng. Gia đình chị phải bán hết tài sản mới trả được 6,8 tỉ đồng, số nợ còn lại hiện vẫn đang bị các đối tượng đòi.

Trường hợp tương tự là chị PTNT (quận Tân Phú), ban đầu cũng vay số tiền là 50 triệu đồng nhưng tính đến nay chị đã trả khoảng 20 tỉ đồng cho khoản nợ này.

Các đối tượng lạ đã đến tạt sơn, chất bẩn vào công ty của chị PTNT tại quận Tân Phú. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Hiện hai vụ việc đã được cơ quan công an thụ lý để điều tra.

Những phản hồi của bạn đọc bày tỏ những luồng ý kiến, quan điểm khác nhau nhìn nhận về hai trường hợp cho vay nặng lãi trong bài nói riêng và tình trạng cho vay nặng lãi hiện nay nói chung.

Bạn đọc Phát Thanh bình luận: "Tại sao trên mạng đầy rẫy những quảng cáo cho vay không thế chấp, cho vay nhanh trong ngày... Tất cả là những quảng cáo cho vay nặng lãi là của xã hội đen, mọi người không phải là không biết, sao cứ lao đầu vào. Việc cho vay nặng lãi đã biến tướng việc cho vay bằng các hợp đồng thuê nhà, thuê xe. Người vay khó thoát với các chiêu trò của bọn này".

Đồng quan điểm, bạn đọc Hoàng Thiên Vương viết: "Biết lên mạng vay tiền qua app, mà lại không biết đọc báo mạng về những vụ cho vay nặng lãi này, giờ xảy ra chuyện lại đi cầu cứu. Chính quyền họ kêu gọi hằng ngày hằng giờ rồi, thời sự, báo chí cũng cảnh báo không biết bao nhiêu lần rồi mà vẫn lao đầu vào, có chơi thì có chịu. Tiền mà cứ như lá mít, thích nhanh gọn thì bây giờ tài sản cũng nhanh gọn bay thôi".

Bạn đọc Phước thì thẳng thắn nói: "Khi vay có người nào cho cơ quan pháp luật biết không? Đến khi rắc rối lại hỏi chính quyền, cơ quan pháp luật ở đâu".

"Tại mọi người không biết, khi cho vay, ban đầu bọn chúng rất nhẹ nhàng, ân cần, để con mồi sa lầy rồi thì tụi nó đòi xử nha. Người lâm vào cảnh này đa phần đều bị thủ đoạn của tụi nó đánh lừa" - bạn đọc Tiến Đoàn chia sẻ.

Trong khi đó, bạn đọc Lê Duy Thuấn nêu ý kiến: "Ngân hàng chính sách xã hội nên chú ý đến việc này và mở rộng đối tượng cho vay. Chính quyền cũng giúp đỡ xác minh các hộ nghèo, tạo điều kiện để họ vay vốn làm ăn chính đáng".

"Nhà thì có giấy tờ hợp lệ để bán, vậy sao không chịu vay thế chấp cho ngân hàng để có một lãi suất hợp lý và thời gian trả nợ không gắt, mà lại đi vay bên ngoài làm gì, để rồi chỉ có 50 triệu mà mất cả căn nhà?" - bạn đọc BS7 thắc mắc.

Nhiều ý kiến bạn đọc kêu gọi mỗi người dân nên cảnh giác với những kiểu cho vay nhanh gọn, lãi suất cao. Khi vay thì rất dễ nhưng khi trả thì ê chề. Bạn đọc Lê Na cảnh báo: "Khi đã vay của bọn chúng, người vay không tránh được nhiều thủ đoạn nham hiểm của chủ nợ nhằm đẩy con nợ luôn mang thêm nợ, trả lãi cắt cổ để nuôi chúng...". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm