LTS: Năm 2012, một cuộc điều tra do Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước thuộc Bộ TN&MT thực hiện đã điều tra 37 làng trải dài trên khắp các tỉnh, thành từ Bắc vô Nam. Kết quả công bố có 10 làng được cho là “làng ung thư” do nguồn nước và không gian sống bị ô nhiễm trầm trọng. Trong tháng 10 , PV báo Pháp Luật TP.HCM đã trở lại những ngôi làng từng bị ám ảnh bởi bóng ma ung thư này.
Đầu tháng 10-2016, chúng tôi trở lại vùng Yên Định, Thanh Hóa. Những người tôi gặp cách đây bốn năm trước hầu hết đã mất. Nhiều gia đình chỉ vì sợ căn bệnh ung thư quái ác đã rời làng để tránh “thảm họa” ung thư. Nơi này có cả trẻ em, học sinh tuổi 18 đôi mươi mắc bệnh.
Những ngôi làng Bái Thủy, Duyên Thượng, Vực Phác giờ đây càng trở nên ám ảnh, hoang vắng, xơ xác. Cơn ác mộng triền miên kéo dài vẫn chưa dừng lại khi số người mắc và chết vì ung thư gia tăng sau mỗi tháng, mỗi năm.
Trạm trưởng y tế cũng chết vì ung thư
Tôi tìm gặp trưởng trạm y tế xã Định Liên, ông Lê Văn Ngợi, người từng dẫn tôi đi thực tế cách đây bốn năm trước. Nhiều người dân cho biết ông Ngợi đã qua đời cách đây vài tháng vì ung thư dạ dày. Tôi thật sự sốc vì không nghĩ một người làm trong ngành y tế lại mang căn bệnh ung thư nhiều năm không biết, chỉ đến khi về hưu đi khám bệnh mới phát hiện, rồi qua đời.
Nhớ lần ông Ngợi tâm sự: “Gặp những bệnh nhân K phải đối mặt giữa sự sống và cái chết mới cảm thấy được sống là hạnh phúc. Và chỉ những phận người mang trong mình “án tử hình” thì mới cảm thấy tột cùng của nỗi đau. Tôi luôn động viên họ - những người mắc ung thư là sống mạnh mẽ hơn, đối mặt và chấp nhận với bi kịch đó để kéo dài sự sống thêm được ngày nào hay ngày đó”.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương, cán bộ chính sách xã Định Liên, cho biết: “Ngày ông Ngợi còn làm ở trung tâm y tế, ông ước một lần vào Sài Gòn để thăm con cháu, người thân. Cách đây 5-7 năm, trước khi phát hiện nhiều người bị bệnh ung thư thì lần lượt người thân của ông bỏ đi. Họ ra đi có thể một phần vì cuộc mưu sinh nhưng phần lớn sợ phải ăn, sống với nguồn nước được cho là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư. Ông Ngợi vào Sài Gòn khám và phát hiện bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối nên bắt máy bay về luôn vì ông sợ chết ở Sài Gòn rồi tội cháu con lo lắng”.
Có lần ông Ngợi chia sẻ: “Nhiều người sau khi lập gia đình xong đã quyết định vào Nam lập nghiệp. Nhiều đứa nói muốn ở quê lắm nhưng không thể được. Đời bố mẹ, ông bà đã gánh chịu ung thư, giờ đến lượt con cái chúng nó sinh ra nữa thì biết tính sao. Nghe các cháu nói mà tôi ứa nước mắt. Có làng, có nhà mà nhiều người vẫn phải bỏ quê mà đi”.
Vùng đất Định Liên từ năm 2005 đến nay có đến 137 người chết vì ung thư, 16 trường hợp đang điều trị bệnh ung thư.
Bà Phạm Thị Chỉnh mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, chỉ hy vọng được sống thêm để chăm sóc chồng con. Ảnh: Đ.TRUNG
Sợ mình chết, ai nuôi con
Không giống như những gia đình khá giả, chạy vạy khắp nơi để tìm thầy chữa bệnh, kể từ ngày mang trong mình căn bệnh ung thư hai năm trước, từng ngày trôi qua chị Phạm Thị Chỉnh (SN 1969) ở làng Vực Phác vẫn cặm cụi ngoài đồng đi bắt cua, ốc nuôi hai con nhỏ ăn học. Hằng đêm chồng chị, ông Vũ Văn Quyền, đi kéo lưới bắt cá, cua ở các mương, rạch thủy lợi. Đêm nào hên cũng kiếm được dăm bảy chục ngàn đồng nhưng có hôm cũng chỉ được hai, ba chục ngàn trang trải cuộc sống ngoài ba sào ruộng.
Gạt giọt nước mắt lăn dài trên gò má khốc nám sau bao nhiêu năm trời gắn bó với đồng ruộng, chị Chỉnh tâm sự: “Đêm nào cũng vậy, nhìn hai con, đứa học lớp 6, đứa lớp 1 ngủ ngon là lúc cảm thấy lo sợ nhất, lo sợ vì chúng thiếu đi tình yêu thương của người mẹ, lo sợ chồng đã gần 60 tuổi có đủ sức cáng đáng nuôi hai đứa con ăn học trưởng thành. Nhiều lúc tôi cứ động viên chồng khi tôi chết đi thì ông nhớ đi lấy vợ để con có chỗ nương nhờ nhưng ông ấy cứ phẩy tay gạt đi.
Hôm rồi tôi mới đi khám lại người ta nói tôi chẳng sống được bao lâu nữa nhưng cứ nghĩ đến cảnh con còn nhỏ nên mình cứ phải làm, phải cố gắng vì các con.. Có lúc nghĩ dại, chồng mình đi làm cả đêm rồi ra chợ bán cá, bán cua 9-10 giờ sáng mới về, đến nhà thì vợ đã mất mà chẳng nói được câu nào trước khi lìa xa”. Chị Chỉnh như đang cố kìm nén nước mắt, rồi chị bảo: “Sức khỏe mình còn được ngày nào thì lo sống tốt ngày đó. Cứ lo nghĩ cũng chẳng ích gì!”.
Bệnh nhân ung thư gia tăng chóng mặt
Nói về việc gia tăng số bệnh nhân phát hiện ung thư, chị Nguyễn Thị Thu Phương, cán bộ chính sách xã Định Liên, cho hay: “Tương lai số bệnh nhân ung thư chắc chắn sẽ tăng nhiều nữa, có ngày hai trường hợp đến xin được hưởng trợ cấp BHYT, cũng có đợt hai tháng 5-7 trường hợp. Đa số những gia đình đến xin hưởng trợ cấp đều nghèo, cuộc sống khốn khó nhưng có trường hợp phát hiện ung thư cán bộ xã đến động viên làm bảo hiểm nhưng người mắc bệnh không làm vì cho rằng sống được vài tháng nữa nên xuôi tay. Có lần mang hồ sơ của bệnh nhân lên huyện làm chế độ, cán bộ huyện hỏi sao vừa mới làm cách đây một tháng giờ lại làm tiếp, sao nhiều người mắc bệnh ung thư như thế. Biết làm sao được, có ai muốn người dân mình bị ung thư đâu!”.
Chị Phương tính toán từ đầu năm 2016 đến nay có khoảng 15 trường hợp đến xã làm hồ sơ xin được hưởng trợ cấp BHYT, còn những trường hợp không đến xã thì không nắm được con số, có thể sẽ nhiều hơn. “Ví dụ như hôm qua vừa có một trường hợp đến xin làm hồ sơ thì hôm nay lại có thêm một trường hợp nữa. Người dân không lo, không hoang mang mới lạ. Bản thân tôi là người trực tiếp làm chính sách cho họ cũng cảm thấy sợ hãi. Điều cần nhất là Nhà nước có câu trả lời sớm xác định ngay nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư để người dân phòng tránh.
“Đau lòng nhất, gần đây bệnh ung thư đã xuất hiện ở lứa tuổi 15-20, đó là trường hợp của em N.T. Bình, đang là học sinh lớp 9, Trường THCS Định Liên phát hiện mắc ung thư vòm họng, buộc phải nghỉ học khi vừa bước vào năm học mới. Cá biệt là trường hợp của em Trần L.T. Thủy (SN 1998) đã phải nghỉ học vì phát hiện ung thư tử cung. Ung thư đã cướp đi của các em quyền được đến trường...” - chị Phương nấc nghẹn.
Theo ông Hoàng Văn Lương, Trưởng Trạm Y tế xã Định Liên, trong khoảng thời gian 10 năm (2005-2015), tổng số người chết trên địa bàn xã Định Liên là 475 người. Trong đó chết do bệnh ung thư các loại là 137 người, chiếm tỉ lệ 28%; 89 người nam giới, tương đương 65%; nữ 48 người, chiếm tỉ lệ 35%. Độ tuổi mắc bệnh ung thư thấp nhất là sáu tuổi. Hiện còn 16 người đang điều trị ung thư, tuy nhiên con số này chưa chính xác vì còn nhiều gia đình có người mắc bệnh nhưng giấu người thân hoặc không thông qua trạm y tế và ban chính sách của xã nên không thống kê được.
Đi tìm nguyên nhân gây ung thư Nói về nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư, ông Lưu Minh Dân (ảnh), Phó Chủ tịch UBND xã Định Liên, cho biết có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp xả chất thải nhưng đây không phải nguyên nhân chính. Cũng có thể là do nguồn nước vì cách đây vài năm Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cũng đã lấy mẫu nước ở Định Liên đưa đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy có 6/8 mẫu nước nhiễm asen (thạch tín) vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 4,4 lần, hầu hết tập trung ở làng Bái Thủy. Sở TN&MT đã kết luận nguồn nước ở Định Liên nhiễm asen quá tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần. Đồng thời Sở TN&MT cũng đã có văn bản hướng dẫn cách xử lý tạm thời như xây dựng bể lọc, thực hiện tốt công tác vệ sinh nguồn nước, vệ sinh môi trường. Trong khi chờ đợi nhà máy nước xây dựng, người dân đã xây dựng bể đựng nước mưa để sinh hoạt nhưng con số bị nhiễm ung thư năm sau tiếp tục cao hơn so với năm trước. |