Những người dân tộc Hmong, Lô Lô tươi cười bên những tấm ảnh chân dung đầu tiên trong đời mình cùng món quà của cộng đồng phượt mang lại.
Đầu năm 2012, cộng đồng Phượt.vn (tập hợp những người cùng sở thích du lịch) đã tổ chức chương trình Đồng Văn thương nhớ để triển lãm ảnh chân dung của những người dân tộc ở Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) mà họ đã chụp trên đường du lịch. Hoạt động này tạo ấn tượng xúc động và ghi dấu ấn với cả bà con người dân tộc lẫn những thành viên Phượt.
Cuối năm nay, họ lại tổ chức chương trình gặp lại Đồng Văn thương nhớ với những hoạt động đa dạng hơn: Tặng 1.000 cuốn lịch, chụp 400 ảnh chân dung tặng tại chỗ, chương trình ẩm thực miễn phí và giao lưu văn nghệ với bà con dân tộc ở Đồng Văn.
1. Sáng 30-12, trời đang rét đậm, khu vực chợ Đồng Văn cổ vốn lâu nay im lìm bỗng trở nên sôi động với dòng bà con các dân tộc rủ nhau kéo về tham dự phiên chợ cuối năm Đồng Văn thương nhớ.
Anh Sìn Chí Vàng, 24 tuổi, đưa cả vợ và bốn con đi suốt 3 tiếng đồng hồ từ Lũng Cú đến Đồng Văn. Được các tình nguyện viên chụp ảnh cả gia đình và tặng lịch, anh cứ tần ngần xúc động không biết nói lời cám ơn bằng tiếng Việt nhưng ánh mắt anh lóng lánh nụ cười. Đây là lần đầu tiên anh và cả gia đình được chụp ảnh. Hàng trăm bà mẹ, ông lão và những cô gái dân tộc khác cũng bồi hồi được hưởng niềm hạnh phúc tương tự. Họ cứ cầm bức ảnh và nhìn ngắm say sưa.
Khu vực cạnh đó, những gian hàng ẩm thực truyền thống của người dân tộc như xôi nếp, bánh pao, thắng cố, rượu ngô, mèn mén… cũng được bày để phục vụ miễn phí. Ở khoảng sân trống giữa khu chợ Đồng Văn cổ, một sân khấu dã chiến được dựng lên từ hồi đêm. Trước sân khấu ấy, các thiếu nữ của làng Lũng Cú nhanh nhẹn biểu diễn bài múa gay vui nhộn của dân tộc Lô Lô. Chương trình văn nghệ giao lưu liên tục được kéo dài bằng các tiết mục của người dân tộc địa phương. Khán giả bao quanh có cả người địa phương, du khách trong, ngoài nước và những thành viên cộng đồng Phượt.
Niềm vui của cô gái Lô Lô với bức ảnh chân dung của chính mình. Ảnh: AT
2. Đối diện với khu ăn uống là khu triển lãm những bức ảnh phong cảnh núi non hùng vĩ, những dãy ruộng bậc thang thơ mộng, những đèo thác hiểm trở và những hình ảnh biến hóa kỳ diệu của cao nguyên đá Đồng Văn. Khác với những cuộc triển lãm khác, khán giả của cuộc triển lãm này là những người mang gùi, địu con, có người ôm cả con gà, con heo. Họ là người dân tộc đi dự chợ phiên cuối năm ở khu chợ mới cách đó vài trăm mét và bị hút vào không khí sôi động ấm áp của phiên chợ nghĩa tình này.
Lễ hội tươi vui, ý nghĩa và sáng tạo này là tấm lòng của cộng đồng Phượt. Qua những chuyến đi, họ đã khám phá ra nét đẹp của thiên nhiên và con người Đồng Văn. Vẻ đẹp ấy quyến rũ, thúc giục họ quay về thăm viếng và tôn vinh mảnh đất yêu thương. Dung là một cô gái Tuyên Quang có gần 10 năm công tác tại Đồng Văn, nay là giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện và là một thành viên của ban tổ chức. Cô phấn khởi ca ngợi: “Với phiên chợ Đồng Văn thương nhớ lần trước, em đã khóc vì xúc động trước nhiệt tình và hiệu quả hoạt động tình nguyện của cộng đồng Phượt. Hoạt động này đem đến những ý nghĩa tích cực cho người dân địa phương và góp phần tạo tiếng vang giới thiệu vẻ đẹp của Đồng Văn đến cả nước và quốc tế. Em mong ước sẽ còn có những phiên chợ tương tự”.
3. Bạn Thủy, một thành viên của ban tổ chức, cho biết: “Cộng đồng phượt không phải là một tổ chức mà chỉ là diễn đàn của những người cùng sở thích. Việc chuẩn bị cho phiên chợ đều thực hiện trên mạng, nguồn tài chính để tổ chức và làm quà tặng đều do sự đóng góp tự nguyện của các thành viên. Chúng em chia nhau thành từng nhóm: nhóm chụp ảnh, nhóm ẩm thực, nhóm văn nghệ và nhóm tặng lịch… Các thành viên tham gia ở rải rác khắp các tỉnh, thành và cùng hội tụ về đây vì tình yêu với Đồng Văn.
Thật vậy, các thành viên phượt đã đổ về đây bằng mọi phương tiện: xe máy, xe khách… Tối 29-12, các khách sạn, nhà nghỉ ở Đồng Văn đều “cháy”. Nhiều thành viên đã ngủ trên nền gạch của khu chợ Đồng Văn trống toác trong cái lạnh buốt của núi rừng Tây Bắc. Nửa đêm 29-12, trong ánh sáng đèn pin, họ đã hoàn thành khu triển lãm với hàng trăm bức tranh và sân khấu dã chiến phục vụ cho buổi diễn trong những cơn gió lạnh.
Hoạt động thiện nguyện của cộng đồng Phượt đã đem lại cho đồng bào Đồng Văn niềm vui ấm áp cuối năm và còn thể hiện sức mạnh gắn kết cộng đồng và nhiệt tình của tuổi trẻ có thể tạo ra những điều kỳ diệu.
Chúng tôi sẽ trở lại Đồng Văn Tôi đã đi du lịch vùng Tây Bắc Việt Nam 14 ngày và có thể khẳng định rằng thiên nhiên của Đồng Văn thật kỳ diệu, khó có nơi nào so sánh nổi. Nhưng đặc biệt hơn nữa, tôi có cơ hội tham dự phiên chợ cuối năm này. Một không khí đa sắc màu, một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn hiếm thấy. Tôi nhất định sẽ trở lại Đồng Văn, nhất là để dự những lễ hội tương tự như thế này. Bà Marina, du khách người Pháp Một lễ hội vui hiếm thấy Đêm qua tôi chỉ tìm được một chỗ nằm ghép trong một phòng khách sạn nhưng tôi không buồn vì bù lại tôi được tham dự một phiên chợ vui. Người ta cứ chụp ảnh lẫn nhau, chụp ảnh những người dân tộc và được mời ăn uống miễn phí. Đó là sự hào phóng hiếm có. Cô Eva, du khách Thụy Điển Đêm 29-12, cũng tại khu phố cổ Đồng Văn đã diễn ra đêm văn nghệ định kỳ hằng tháng do Trung tâm Văn hóa huyện và xã Lũng Cú tổ chức để phục vụ du khách và người dân địa phương. Những đêm văn nghệ này đã được duy trì từ năm 2004 đến nay. Các đội văn nghệ các xã luân phiên cộng tác với trung tâm văn hóa đóng góp các tiết mục biểu diễn đậm sắc màu của dân tộc, địa phương mình. Đây là một đặc sản văn hóa mà Đồng Văn dành cho du khách. |
ANH THƯ