Trước đó, Ấn độ và Pháp đã có thỏa thuận rằng 18 trên tổng số 126 chiến đấu cơ Rafale sẽ được mua trực tiếp từ Dassault, trong khi công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ sẽ tự sản xuất 108 chiếc còn lại dưới sự cấp phép của Paris, tại thành phố Bangalore.
Tuy nhiên, do chi phí trong toàn bộ dự án quá “chát” nên New Delhi đã quyết định kết thúc thương vụ Rafale với Paris.
Hiện tại, Ấn Độ đã sẵn sàng để khởi động một dự án chế tạo các FGFA với tổng chi phí lên tới 25 tỷ USD. Theo thông tin từ TOI, nếu dự án tiến triển thuận lợi, Ấn Độ sẽ sở hữu 127 chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5.
Trong khi đó, theo tờ The Times of India cho biết, New Delhi đã sẵn sàng để tiếp nối kế hoạch thiết kế và chia sẻ một nửa công việc với Nga trong việc phát triển FGFA gọi là PAK-FA hay Sukhoi T-50.
PAK FA là một chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của không quân Nga trong đó, T-50 là máy bay được thiết kế bởi Sukhoi cho chương trình PAK FA.
Sukhoi T-50 là máy bay đầu tiên sử dụng công nghệ tàng hình của Nga với một chỗ ngồi, 2 động cơ máy bay chiến đấu phản lực.
Hơn nữa, nó còn là một chiến đấu cơ đa chức năng, được thiết kế với khả năng chiến đấu trên không và tấn công mặt đất. Kết hợp siêu tốc, tàng hình, khả năng cơ động và hệ thống điện tử tiên tiến, T-50 đã vượt qua những chiếc máy bay chiến đấu thế hệ trước, đồng thời xuyên thủng nhiều hệ thống phòng thủ trên biển và trên mặt đất.
PAK FA tiếp nối thành công của MiG-29 và Su-27 của Không quân Nga và được xem như là cơ sở cho các FGFA, được đồng phát triển bởi công ty Sukhoi và công ty HAL của Ấn Độ. Nguyên mẫu T-50 đầu tiên đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 29-1-2010, dự kiến sẽ được sản xuất để bàn giao cho không quân Nga bắt đầu từ năm 2016.
Nguyên mẫu và lô máy bay đầu tiên sẽ được chuyển giao với một biến thể nâng cấp của AL-31F, đã từng được sử dụng cho “gia đình” Sukhoi-27 trong khi các động cơ mới đang được phát triển.
Dự kiến, Sukhoi T-50 sẽ có thể phục vụ chiến đấu trong vòng 35 năm.
Theo Thu Huyền (ANTĐ / Itar-Tass)