Bữa ăn nào của trẻ là quan trọng?
Lứa tuổi học sinh là giai đoạn cơ thể phát triển nhanh và cần được cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất để cơ thể phát triển tốt. Những bữa ăn chính (sáng, trưa, tối) và cả những bữa ăn phụ xen kẽ đều rất cần thiết. Tuy nhiên, bữa ăn sáng và các bữa ăn phụ của trẻ vẫn chưa được nhiều bậc phụ huynh quan tâm đúng mức.
Bữa sáng là bữa ăn chính
Sau bữa ăn tối, cơ thể không được cung cấp thực phẩm từ 10 - 12 giờ đồng hồ. Vì vậy, sáng hôm sau, cơ thể rất cần nạp năng lượng để hoạt động. Ngoài ra, buổi sáng là buổi học tập năng động và kéo dài nhất trong ngày nên đòi hỏi cơ thể phải nạp năng lượng đầy đủ.
Bộ não chúng ta cần chất đường glucose để hoạt động. Nếu não bị thiếu chất này sẽ hoạt động kém, gây ra trạng thái thờ ơ, không thể tập trung suy nghĩ và giảm khả năng tính toán... Các nghiên cứu ở trẻ cấp 1 và cấp 2 cho thấy, trẻ ăn sáng thường xuyên có khả năng học tốt hơn, nhất là môn toán. Bên cạnh đó, trẻ ăn sáng thường nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, ít bị các rối loạn về tâm lý như trầm cảm, lo sợ hoặc bị kích động, quậy phá. Các trẻ này cũng tập trung chú ý hơn trong lớp và đi học đúng giờ hơn.
Học sinh bụng đói đến lớp học thường kém tập trung, buồn ngủ, học lâu nhớ, mau quên và cuối giờ thường bị hoa mắt, mệt lả, thậm chí ngất xỉu vì hạ đường huyết...
Bữa sáng cần ăn bao nhiêu là đủ?
Năng lượng của bữa ăn sáng chiếm 1/3 - 1/4 (25 - 35%) tổng năng lượng trong ngày. Bữa ăn sáng phải có đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường (cơm, cháo, bún, mì, nui, phở, khoai...), đạm (thịt, cá, tôm, trứng, đậu hũ...), béo (dầu, mỡ), rau củ và trái cây.
Ví dụ: Ăn mì gói thì cần thêm ít thịt hay xúc xích, xà lách và một trái chuối; ăn xôi đậu thì có dừa nạo và một miếng thanh long; bánh ướt thì phải có thêm chả lụa, giá trụng và rau thơm...
Ngoài ra, bữa ăn phụ xen kẽ những bữa ăn chính để hỗ trợ cung cấp năng lượng khi các bữa ăn chính cách nhau 4 - 5 giờ đồng hồ. Ba bữa ăn phụ thường vào khoảng 9g, 15 - 16g và trước khi ngủ vào buổi tối. Thức ăn của bữa phụ có thể là hộp sữa tươi, hũ sữa chua, bánh bông lan, củ khoai, trái cây... Các loại thức ăn phụ cũng cần đa dạng để cung cấp đủ dinh dưỡng.
Món ăn nào cần thiết cho hoạt động trí não?
Chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động trí não gồm các vitamin nhóm B (ngũ cốc, rau củ), vitamin C (rau, trái cây tươi), chất sắt (thịt, cá, gan, huyết), kẽm (hàu, thịt, cá...), magiê (thịt, trứng), Iốt (muối Iốt), acid béo thiết yếu (dầu thực vật, mỡ cá)...
Đặc biệt, dưỡng chất DHA có nhiều trong các loại cá như: basa, thu, ngừ, hồi, trích; nhóm thức ăn giúp tăng trí nhớ, chứa nhiều cholin (lòng đỏ trứng, súp lơ, đậu nành, bắp cải, đậu phộng); selen, lycopene (tôm, cà chua); acid glutamic (bí đỏ) cũng được các nhà khoa học Anh khuyên sử dụng.
Ngoài ra còn có các món ăn dân gian dành cho các em vào mùa thi như óc heo chưng, chè đậu đỏ, cá chép... Tuy nhiên, nếu quá kiêng trứng, thịt bò, bí... thì dễ bị thiếu các dưỡng chất quan trọng. Vì thế, nên ăn đa dạng các thực phẩm hằng ngày để nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
BS-CK1. ĐÀO THỊ YẾN THỦY - TRUNG TÂM DINH DƯỠNG TP.HCM
(Theo DNSG)