An Giang: 7 doanh nghiệp trả giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu do hết vốn

(PLO)- Đối với các doanh nghiệp trả giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu, Sở Công Thương tỉnh An Giang chỉ xem xét chấp thuận cho một trường hợp do doanh nghiệp phải điều trị bệnh theo chỉ định của cơ quan y tế có thẩm quyền
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang, qua công tác giám sát ngày 6-9 cho thấy vẫn có nhiều cửa hàng hết xăng, dầu.

Cụ thể, các đội QLTT tổ chức giám sát 576 cơ sở kinh doanh xăng dầu có 573 cơ sở đang hoạt động. Trong đó có 15 cửa hàng hết xăng, dầu tạm thời; 30 cửa hàng hết dầu; bốn cửa hàng hết xăng.

Các cửa hàng xăng dầu tỉnh An Giang vẫn gặp khó do không mua được hàng từ đầu mối.

Các cửa hàng xăng dầu tỉnh An Giang vẫn gặp khó do không mua được hàng từ đầu mối.

Theo Cục QLTT tỉnh An Giang, qua xác minh làm rõ nguyên nhân thì các cửa hàng nêu lý do doanh nghiệp (DN) đầu mối, thương nhân phân phối không đủ nguồn cung dầu cấp cho cửa hàng, hẹn thời gian giao hàng sau, đặt hàng nhưng không có hàng.

Thời gian tới, các đội QLTT tiếp tục thực hiện nghiêm công tác giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT về tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Cùng ngày, Sở Công Thương tỉnh An Giang có công văn gửi Bộ Công Thương báo cáo về khó khăn trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang.

Cụ thể, qua cuộc họp ngày 4-9 tại Cục QLTT An Giang và phản ánh của UBND các huyện, thị, thành, các DN, thời gian qua nguồn xăng dầu khó khăn, đặc biệt là dầu DO. Các thương nhân phân phối rất khó để mua được nguồn hàng từ đầu mối do thương nhân đầu mối ưu tiên bán cho tổng đại lý trực thuộc rồi mới đến thương nhân phân phối.

Sở Công Thương đã thường xuyên động viên các cửa hàng xăng dầu đồng hành, chung tay với nhà nước vượt qua khó khăn lúc này và đề nghị không được tạm ngừng kinh doanh.

Lực lượng QLTT dán đường dây nóng tại các cửa hàng xăng dầu để nhận thông tin phản ánh của người dân.

Lực lượng QLTT dán đường dây nóng tại các cửa hàng xăng dầu để nhận thông tin phản ánh của người dân.

Thời gian qua, Sở Công Thương An Giang tiếp nhận bảy trường hợp DN trả lại giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu do hết vốn để kinh doanh tiếp; khoảng 20 DN nghiệp gửi thông báo tạm dừng kinh doanh do hoa hồng thấp, thua lỗ, bệnh.

Tuy nhiên, sở chỉ xem xét chấp thuận cho một trường hợp do DN phải điều trị bệnh theo chỉ định của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, tránh lặp lại hiện tượng khan hàng cục bộ như thời gian qua, đảm bảo DN được ổn định tiếp tục kinh doanh, sở kiến nghị Bộ Công thương xem xét điều chỉnh giá xăng dầu linh hoạt theo đúng chu kỳ theo quy định tại Nghị định 95/2021 kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết.

Cạnh đó, xem xét đánh giá cách tính giá cơ sở đảm bảo các DN đầu mối, phân phối, tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ đều được hưởng chiết khấu/hoa hồng để DN duy trì kinh doanh.

Các thương nhân đầu mối có chính sách công bằng, không phân biệt trong việc bán hàng cho thương nhân phân phối và tổng đại lý đảm bảo các DN đều được mua hàng như nhau để cung ứng cho hệ thống.

Tỉnh An Giang có năm thương nhân đầu mối xăng gồm Công ty xăng dầu An Giang, Công ty CP dầu khí MêKông tại An Giang, Công ty Nam Sông Hậu, Công ty CP dầu khí TP.HCM tại An Giang, Công ty nhiên liệu Đồng Tháp (chiếm 36,5%).

Sáu thương nhân phân phối và hai tổng đại lý trong tỉnh (chiếm 48%), 21 thương nhân phân phối ngoài tỉnh (15,5%) và khoảng 583 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm