QUAN SÁT NGHỊ TRƯỜNG:

An ninh cơ sở cốt ở dân!

(PLO)- Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được Quốc hội thông qua là một nỗ lực lớn của ban soạn thảo nhằm kiện toàn một lực lượng tham gia vào công tác bảo đảm an ninh trật tự.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (BVANTT) ở cơ sở đã được Quốc hội (QH) thông qua ngày 28-11. Dù vẫn là đa số đại biểu tán thành nhưng tỉ lệ đại biểu không biểu quyết và không tán thành lên tới 77 phiếu, trong đó số phiếu không tán thành là 61.

Một luật liên quan mật thiết đến đời sống cộng đồng, ra được đến kỳ họp này và được thông qua là một nỗ lực lớn, như một đại biểu nói là một sự kiên trì của ban soạn thảo. Vì trước đó, tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV có nhiều ý kiến về dự luật trên nên QH lúc đó ra nghị quyết để lại dự luật này cho QH nhiệm kỳ XV.

Dự luật lần này, như giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ QH, đã thay đổi căn bản so với dự luật được trình ra QH khóa XIV. Từ số lượng người tham gia cho đến kinh phí, nguyên tắc hoạt động lẫn cấp có thẩm quyền.

Và trong số 28 điểm mà Ủy ban Thường vụ QH giải trình, đa số là các điểm được tiếp thu từ ý kiến đóng góp của các đại biểu QH.

Việc kiện toàn một lực lượng tham gia vào công tác bảo đảm ANTT, nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ này của toàn dân có thể là mối quan tâm lớn. Những bất ổn ở một số nơi cho dù công an chính quy đã được tăng cường về nhiều năm nay cho thấy nhu cầu cần có thêm một lực lượng hỗ trợ là có thật.

Luật Lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở được ban hành trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và khi QH thông qua luật này thì một hy vọng cũng nảy nở là sẽ không còn xảy ra những việc bất ổn để như Nguyễn Trãi từng tấu: “…Thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu”.

Nhưng cũng như nhiều ý kiến đại biểu QH đã phát biểu, có lẽ điều quan trọng nhất của vấn đề ANTT vẫn là nhân dân, chủ thể của quyền lực và là tai mắt của hệ thống. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ở chỗ khác, Người còn nói: “Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm sáng kiến rất nhiều”.

Không thể có một xã hội ANTT nếu nhân dân không ủng hộ. Và nguyên lý “việc nhân nghĩa cốt ở an dân” cũng hàm ý rằng chỉ khi nào người dân cảm thấy an toàn thì khi đó mới có một xã hội nhân văn, ANTT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm