An toàn cho hàng triệu học sinh trở lại trường

Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch COVID-19, từ hôm nay 14-2, hàng triệu học sinh (HS) ở nhiều địa phương trên cả nước được đi học lại.

 

63/63

tỉnh, TP đã lên kế hoạch đưa HS THCS, THPT đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến 14-2.

60/63 tỉnh, TP đã lên kế hoạch đưa HS bậc mầm non, tiểu học quay lại trường học trực tiếp trong tháng 2, tháng 3, chỉ còn Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai chưa ấn định thời gian.

TP.HCM: Đồng loạt đón học trò trở lại trường

Hôm nay, hơn 355.000 trẻ mầm non, hơn 700.000 HS tiểu học và lớp 6 tại TP.HCM bắt đầu được đến trường học trực tiếp sau thời gian dài phải ở nhà vì dịch COVID-19. Đây là những nhóm lớp cuối cùng của TP.HCM được đến trường, kể từ khi TP thí điểm cho HS lớp 12 và lớp 9 đi học từ 13-12-2021.

Cũng vì là nhóm trẻ nhỏ và có số lượng lớn, ngay trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, để phụ huynh yên tâm và trẻ đi học được an toàn, công tác thông tin đến phụ huynh HS, phòng chống dịch COVID-19, chuẩn bị cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn… được các trường triển khai khẩn trương và kỹ lưỡng.

Các trường đều đã tiến hành họp phụ huynh, tổ chức diễn tập xử lý F0, phân luồng lối ra vào, xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Nhiều trường tiểu học cũng đã chủ động tập trung tất cả HS đến trường để phổ biến nội quy, hướng dẫn các kỹ năng, kiến thức phòng dịch để sẵn sàng cho ngày chính thức đi học từ ngày 14-2.

Với bậc mầm non, trong tuần đầu tiên, các trường tạm thời chưa tổ chức ăn sáng. Các hoạt động dạy và học chủ yếu thực hiện tại lớp, theo các nhóm nhỏ, tăng cường vận động và kết nối với trẻ. Cuối tháng 2, các trường sẽ tổ chức sơ kết và rút kinh nghiệm công tác đón trẻ trở lại trường.

Sở GD&ĐT TP.HCM cho phép các cơ sở được tổ chức dạy học hai buổi/ngày hoặc bán trú cho tất cả khối lớp theo nhu cầu của phụ huynh và đạt bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng dịch của TP.

Trường tiểu học Lê Đức Thọ quận Gò Vấp, TP.HCM đón học sinh trở lại trường học. Ảnh: NNN

Miền Trung: Hầu hết học sinh đều đã tới trường

Tại Đà Nẵng, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, cho biết từ ngày 14-2, khối HS lớp 6, học viên các trung tâm ngoại ngữ, tin học… sẽ đến trường học trực tiếp. HS tiểu học trở lại trường từ ngày 21-2, riêng khối mầm non sẽ có thông báo sau.

Học sinh tiểu học Đà Nẵng sẽ đi học trực tiếp từ ngày 21-2. Ảnh: Bùi Toàn 

Tại Huế, từ ngày 7-2, HS từ bậc mầm non, tiểu học, THCS đến THPT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đồng loạt quay lại trường. Các trường tiểu học trên địa bàn có đông HS đi học, đạt tỉ lệ khá cao với 81,2%.

“Chúng tôi tổ chức theo hướng thích ứng dần, chúng tôi có một tuần cho các trường phân luồng, phân tuyến trong lớp học. Nhưng tuần tới đây chúng tôi sẽ tổ chức cho HS ra lớp đại trà, chúng ta đã thích ứng dần và cũng không xảy ra việc gì lớn gây khó khăn trong quá trình dạy học” - ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Từ mùng 7 tết, HS bậc THCS, THPT ở 13 huyện, thị xã, TP đã đến trường học trực tiếp. Bậc tiểu học và mầm non sẽ bắt đầu học trực tiếp từ ngày 14-2.

“Bắt đầu từ 14-2, căn cứ theo đánh giá của ngành y tế, địa phương có mức độ dịch cấp độ 1 và 2 thì tất cả HS đi học trực tiếp; cấp độ 3 thì HS THCS, THPT học trực tiếp, còn tiểu học học trực tuyến; cấp độ 4 thì tất cả HS sẽ học trực tuyến, trừ bậc mầm non phụ huynh tự chăm tại nhà” - ông Thái nói.

Tại Quảng Nam, ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, cho hay: Sau tết, hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh đã cho HS đến trường học trực tiếp. Các trường ở vùng xanh và vàng cho học trực tiếp, các hoạt động tập thể, ngoài giờ diễn ra bình thường; vùng cam sẽ kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến, ưu tiên dạy trực tiếp các khối 1, 2, 6, 9 và 12, đặc biệt là khối 12; vùng đỏ sẽ chuyển sang học trực tuyến, kết hợp dạy học trên truyền hình.

Miền Tây: Tỉ lệ học sinh trở lại trường học khá cao

Tại TP Cần Thơ, HS các cấp bắt đầu trở lại trường học trực tiếp từ ngày 7-2. Đánh giá tuần đầu tiên HS đến trường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ Nguyễn Phúc Tăng cho biết tỉ lệ trẻ mầm non, HS, học viên trở lại trường học khá cao. Cụ thể, trẻ mầm non là 46%, HS tiểu học 94%, HS THCS 94,47%, HS THPT 97,32%, học viên giáo dục thường xuyên 91,93%.

Cạnh đó, các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên tiếp tục duy trì việc tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến hoặc kết hợp vừa trực tiếp vừa trực tuyến/dạy học trên truyền hình và các hình thức phù hợp khác đảm bảo 100% HS được tham gia học tập. Đồng thời chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo thực hiện chương trình theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục không tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể cho đến khi có thông báo mới; bố trí giờ vào lớp, giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp để tạo giãn cách…

Theo ghi nhận của PV, chị Thu Hà (quận Ninh Kiều) có con đang học lớp 9 tỏ ra hài lòng với việc con mình được đi học trực tiếp tại trường một tuần qua. Chị cho biết con chị thích đi học trực tiếp ở trường hơn vì nghe thầy cô giảng dạy trực tiếp dễ hiểu hơn vì con tập trung được, còn khi học trực tuyến ở nhà thì con không thể tập trung như ở lớp. Cạnh đó, việc con đi học, được trò truyện với các bạn cũng giúp con giải tỏa được căng thẳng trong học tập…

Học sinh Trường THCS Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đi học trực tiếp từ ngày 7-2. Ảnh: CTV

Tại Sóc Trăng, hôm nay các trường mầm non và tiểu học bắt đầu đón HS trở lại trường, chính thức tổ chức dạy và học vào ngày mai (15-2). Trước đó, ngày 10-2, tất cả HS từ khối lớp 6 đến lớp 12 đã đến trường học trực tiếp. Qua ghi nhận, có hơn 95% HS đến lớp và chưa phát hiện trường hợp nào bất thường về sức khỏe của HS và giáo viên.

Để chuẩn bị cho HS từ mầm non đến tiểu học trở lại học trực tiếp, nhiều giáo viên chủ nhiệm (GVCN) đã tạo nhóm chat với các phụ huynh, HS để triển khai, hướng dẫn các vấn đề cần thiết khi đến trường học trực tiếp. Cụ thể, hướng dẫn các em về sơ đồ lớp học, phương pháp quét mã vạch, khai báo y tế, tự kiểm tra thân nhiệt... Riêng đối với HS cấp THCS trở xuống, GVCN đã gửi đường link để thực hiện khai báo y tế tại nhà do các em không được mang điện thoại vào lớp nên không thể quét mã vạch.

“GVCN đã nhắn tin vào nhóm dặn dò nhiều việc cần thiết khi trở lại học trực tiếp, trong đó có nhiều vấn đề quan trọng trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. Nhờ đó em đã không quên, thực hiện nghiêm và thực hiện tốt các quy định của trường cũng như quy định về phòng chống dịch bệnh” - em Nguyễn Duy Thiên Lộc, HS lớp 8/10 Trường THPT Lê Hồng Phong (TP Sóc Trăng), chia sẻ.

Cũng trong hôm nay, HS cấp học mầm non đến THCS ở Hậu Giang, Kiên Giang cũng trở lại học trực tiếp. Theo ghi nhận, các cơ sở giáo dục đã thực hiện vệ sinh, dọn dẹp trường lớp cũng như bố trí dung dịch sát khuẩn trước cổng trường, trên các hành lang lớp học.

Bà Lê Bích Ngọc (ngụ TP Vị Thanh, Hậu Giang), phụ huynh HS lớp 2 Trường Tiểu học Kim Đồng, bày tỏ: “Thời gian qua học qua truyền hình, học online để phòng chống dịch cũng lo vì cháu sẽ không tiếp thu hết các kiến thức các GV truyền đạt. Nhưng đi học tập trung cũng lo vì các cháu cấp tiểu học chưa được tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh COVID-19. Khi trở lại học tập trung, tôi căn dặn cháu đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và hạn chế la cà để đảm bảo phòng dịch”.•

Không kỳ thị F0, quan tâm hơn với học sinh lớp 1

Theo công điện Bộ GD&ĐT gửi Sở GD&ĐT trên cả nước về công tác đón HS trở lại học trực tiếp, Bộ yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức thiếu hụt phù hợp với từng nhóm đối tượng HS ngay trong thời gian học chính khóa. Đặc biệt lưu ý hỗ trợ những HS không có điều kiện thuận lợi học trực tuyến, không được học qua truyền hình, HS phải di chuyển nơi cư trú để phòng chống dịch bệnh.

Trong những ngày đầu đón HS, Bộ yêu cầu các cơ sở cần dành thời lượng để HS làm quen trở lại với việc học trực tiếp. Đặc biệt là HS lớp 1, trường cần phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường, tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho HS tới trường.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần tăng cường hoạt động tư vấn hỗ trợ tâm lý, tương tác, gắn kết HS trong lớp học, tuyệt đối không kỳ thị với các trường hợp không may bị nhiễm COVID-19... Các trường không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, gây áp lực, quá tải, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của HS.

Bộ cũng chỉ đạo các trường chỉ thực hiện việc kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tiếp sau một thời gian HS trở lại trường để ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức.

Riêng đối với HS lớp 12, nếu không thể hoàn thành chương trình trước 30-6 vì lý do bất khả kháng, địa phương cần kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo phù hợp với kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm