Trên các diễn đàn, mạng xã hội, trứng kiến gai đen được rất nhiều người quan tâm bởi đang vào mùa (kéo dài từ đầu tháng 3 âm lịch đến tuần đầu tháng 5 âm lịch) và vì những tác dụng được quảng cáo thần kỳ của chúng.
Giá của trứng kiến dao động từ 700.000-900.000/kg. Đặc biệt mặt hàng này rất sẵn có. Chúng có vị ngọt, bùi và có thể chế biến thành nhiều món ăn như rán lá lốt, nấu xôi, rán trứng và ngâm rượu.
Trứng kiến gai đen có giá từ 450.000-700.000/kg đồng tùy loại. Ảnh: vietnamnet.
Tuy nhiên, điều khiến người ta không tiếc tiền mua “đặc sản” chủ yếu bởi những tác dụng thần kỳ được quảng cáo như tốt cho trẻ em, người già, giảm stress, cải thiện khả năng sinh lý, giúp phụ nữ đẹp da, tóc đen và mượt.
Khi được hỏi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay bản chất trứng kiến là loại ấu trùng nhỏ và cũng như trứng ong, nhộng tằm nên có giá trị dinh dưỡng rất tốt.
Tuy nhiên, tính chất dược lý của trứng kiến đến đâu chưa có bất kỳ công trình khoa học nào nghiên cứu. Để đưa ra bất kỳ giá trị nào của trứng kiến cần phải nghiên cứu về mặt lâm sàng, dược lý. Vì vậy, các chuyên gia sẽ không thể khuyên chúng ta dùng trứng kiến để chữa bệnh hoặc bồi bổ vì chưa có cơ sở khoa học.
“Phần lớn tác dụng của trứng kiến là do truyền tai nhau chứ chưa hoàn toàn được kiểm chứng. Do đó, không thể khẳng định trứng kiến tốt cho trẻ em, người già hay bản lĩnh đàn ông ra sao. Mọi người không nên có niềm tin mù quáng vào những lời quảng cáo được thổi phồng mang tính thương mại như vậy”, PGS Thịnh khuyến cáo.
Trứng kiến không nhiều đến vậy
PGS Thịnh khẳng định không phải trứng của loài kiến nào cũng có thể ăn, chỉ có một số loại sống trong rừng, làm tổ to. Để lấy được trứng, người lấy phải biết phân biệt đâu là loại lành, đâu là loài có độc, sau đó khéo léo đuổi kiến đi để lấy trứng.
“Mỗi tổ trứng chỉ cho vài gram, chứ không có nhiều như vậy. Hơn nữa kiến là động vật hoang dã chứ không nuôi. Nếu trứng kiến là loại mặt hàng sẵn, bao nhiêu cũng có, chúng ta cần đặt dấu chấm hỏi về nguồn cung này”, vị chuyên gia tỏ ra lo ngại.
Khả năng nhiễm độc từ trứng kiến, PGS Thịnh cho biết chưa nghiên cứu nên cũng không thể khẳng định về tính độc hại (nếu có) của trứng kiến. Tuy nhiên, đây là loài động vật hoang dã khi làm tổ chúng hay tiết ra độc tố để bảo vệ con non theo nguyên tắc bảo tồn động vật. Do đó, axit có trong kiến thì cũng có thể có trong trứng. Người sử dụng không loại trừ khả năng ăn phải độc tố này.
Ngoài ra, mặc dù trong trứng kiến có nhiều chất bổ, một số người dùng vẫn có thể bị dị ứng khi chưa có bất kỳ khuyến cáo, chỉ định về việc chế biến và sử dụng loại “đặc sản” này.