Ảnh: Bê tông, gạch đá đầy biển Sơn Trà sau cưỡng chế công trình trái phép

(PLO)- Sau khi tổ chức cưỡng chế hàng chục công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng), bờ biển tuyệt đẹp nơi đây lại trở thành chỗ chứa bê tông, gạch đá và rác thải.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Bê tông, gạch đá đầy biển Sơn Trà sau cưỡng chế công trình trái phép

Ngày 3-7, sau hơn một tháng kể từ ngày các cá nhân tự nguyện tháo dỡ và UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) tổ chức cưỡng chế công trình xây dựng trái phép, chúng tôi ghi nhận tình cảnh rác thải, gạch đá bê tông được xả thải ra biển.

Du khách bước qua bãi bê tông cốt thép trên bờ biển bán đảo Sơn Trà.

Du khách bước qua bãi bê tông cốt thép trên bờ biển bán đảo Sơn Trà.

Nhiều hạng mục như nhà hàng lấn biển, nhà chòi bằng trụ bê tông, nhà vệ sinh, đập ngăn suối bị tháo dở….để trả lại mặt bằng hiện trạng ban đầu theo kết luận của Thanh tra TP Đà Nẵng.

Phần móng của nhà hàng trên biển trơ trọi sau khi tháo dỡ.

Phần móng của nhà hàng trên biển trơ trọi sau khi tháo dỡ.

Sau khi tháo dở không có người dọn dẹp nơi đây biến thành những bãi rác. Bê tông cốt thép, gạch đá tràn ra bờ biển làm mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

Gạch đá, bê tông tràn ra bờ biển khiến nhiều người dân và du khách bức xúc.

Gạch đá, bê tông tràn ra bờ biển khiến nhiều người dân và du khách bức xúc.

Công trình trái phép bị tháo dở, vật dụng có giá trị lớn đã được chủ cơ sở di dời, còn lại những vật liệu xây dựng đã qua sử dụng như xà gồ, mái tranh, gạch vỡ, khối bê tông cốt thép....cùng một số rác thải sinh hoạt bị vứt lại không được chủ cơ sở dọn dẹp.

Những thanh thép nhọn đe doạ đến sự an toàn của du khách và người dân.

Những thanh thép nhọn đe doạ đến sự an toàn của du khách và người dân.

Nhiều con suối nhỏ bị nắn dòng chảy, chảy vào các bể chứa, nay các bể này thành bể chứa rác thải do chủ cơ sở vứt lại, ruồi nhặng bu đầy. Ngoài ra, các khối bê tông cốt thép, gạch đá bị chất thành đống lớn trên bờ biển, gây khó khăn cho khách du lịch khi đi dạo và ngắm cảnh.

Trẻ em và du khách vui chơi cạnh các trụ bê tông, sắt thép tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Trẻ em và du khách vui chơi cạnh các trụ bê tông, sắt thép tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Một số du khách, chọn cách đi đường vòng, còn một số khác thì chấp nhận vượt qua đống bê tông sắt nhọn, gạch đá để tiếp tục dạo biển. Nhiều em nhỏ được bố mẹ đưa đi tắm biển, phải chấp nhận bơi lội cạnh những cục bê tông cốt thép mà không biết nguy hiểm có thể ập đến khi nào.

Thùng xốp, chai nhựa, chiếu nhựa bị vất lại thành đống gây ô nhiễm.

Thùng xốp, chai nhựa, chiếu nhựa bị vất lại thành đống gây ô nhiễm.

Anh V.T.T (du khách đến từ TP HCM) cho biết, anh đến bán đảo Sơn Trà để dạo chơi, ngắm cảnh. Anh bất ngờ trước cảnh tượng bờ biển đẹp và hoang sơ mà lại bị xà bần, rác thải làm ảnh hưởng như vậy.

“Gia đình tôi xuống biển phải bước qua bãi bê tông cốt thép lổm chổm khiến tôi lo lắng cho sự toàn của mọi người. Lần sau quay lại, tôi sẽ không đến bãi này nữa”, anh T nói.

Một nhà hàng được xây dựng và hoạt động trong thời gian dài trước khi bị xử lý.

Một nhà hàng được xây dựng và hoạt động trong thời gian dài trước khi bị xử lý.

Nói về vấn đề trên, ông Nguyễn Trần Bang, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà cho biết, Đội kiểm tra quy tắc đô thị của quận đã phối hợp với UBND phường Thọ Quang vận động các hộ dân tự tháo dỡ và dọn dẹp, trả lại mặt bằng hiện trạng ban đầu nhưng hầu hết các hộ dân không thực hiện. Đồng thời UBND quận Sơn Trà cũng đã giao cho UBND phường Thọ Quang dọn dẹp và vệ sinh môi trường nơi đây.

“Để làm được điều này, phải có kinh phí cũng như thời gian, chứ không thể ngày một, ngày hai được”. Ông Bang nhấn mạnh.

Trước đó, từ cuối tháng 4-2023, UBND quận Sơn Trà đã quyết liệt tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm này theo kết luận 792 của Thanh tra TP Đà Nẵng từ năm 2016, với kết luận trên toàn bán đảo Sơn Trà có đến 68 công trình xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà từ 1997 – 2010.

Trong năm 2023, quận Sơn Trà quyết tâm xử lý dứt điểm đối với tất cả các trường hợp sai phạm theo kết luận. Sau nhiều đợt vận động, cưỡng chế, tháo dỡ các công trình này, hiện vẫn còn 20 trường hợp xây dựng các công trình trái phép trên đất rừng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm