Tại hội thảo về nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng tại Trường ĐH Luật TP.HCM mới đây, ThS Nguyễn Đức Phước (Chánh án TAND quận Bình Tân, TP.HCM) đã dẫn chứng một bản án mà tòa vận dụng lẽ công bằng để giải quyết.
Kiện vì phải “nuôi con tu hú”
Đó là một bản án năm 2021 của TAND huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ về “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là ông V và bị đơn là bà H (vợ ông V).
Ông V và bà H kết hôn năm 2009. Quá trình chung sống, họ có hai con chung, trong đó có cháu L (sinh năm 2015). Ông V làm nghề buôn bán lâm sản và lái xe. Bà H ở nhà nuôi con. Do bà H không chung thủy nên cháu L không phải là con của ông V. Điều này ông V chỉ biết khi có kết quả giám định ADN.
Khi biết được sự thật, ông V đã đi kiện để đòi bà V chi phí nuôi dưỡng cháu L (121 triệu đồng), tiền công chăm sóc và bồi thường tổn thất tinh thần. Ông V cho rằng việc ông lấy vợ, sinh con là mục đích được hưởng lợi về tình cảm, cậy nhờ con khi tuổi già. Cháu L không cùng huyết thống với ông mà ông lại phải nuôi dưỡng…
Bà H thừa nhận cháu L là con của người khác. Tuy nhiên, sự việc này đã được ông V chấp nhận, ông cũng đồng ý nuôi con để làm phúc. Ban đầu bà không đồng ý bồi thường vì trong thời kỳ hôn nhân ông V cũng có quan hệ ngoài luồng. Sau đó, tại phiên tòa, bà chấp nhận bồi thường cho ông V chi phí nuôi cháu L là 50 triệu đồng.
Người vợ vi phạm nghĩa vụ chung thủy, phải bồi thường
Việc ông V yêu cầu bồi thường chi phí nuôi dưỡng cháu L và bồi thường tổn thất về tinh thần vì cháu L không phải là con ruột là công bằng.
Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người vợ đã không tuân thủ nghĩa vụ chung thủy… nên có lỗi với chồng và phải bồi thường.
ThS NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC, Chánh án TAND quận Bình Tân, TP.HCM
Luật không quy định, án lệ chưa có nên áp dụng lẽ công bằng
HĐXX TAND huyện Thanh Ba nhận định rằng hiện chưa có án lệ về vụ việc tương tự, pháp luật không quy định đầy đủ trong trường hợp này. Tuy nhiên, quá trình chung sống, bà H đã vi phạm nghĩa vụ theo khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, dẫn đến vụ việc tòa án phải giải quyết.
Theo HĐXX, bà H không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh rằng ông V chấp nhận nuôi con để làm phúc. Do vậy, việc ông V yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần do ông bị tổn thương về danh dự, nhân phẩm, uy tín do hành vi của bà H gây ra là có căn cứ. Thiệt hại về vật chất và tinh thần của ông V đương nhiên được mọi người trong xã hội thừa nhận, do vậy bà H phải có trách nhiệm bồi thường.
Về căn cứ bồi thường, ngoài khoản 1 Điều 584 BLDS thì tòa án còn áp dụng quy định chung theo Điều 3 BLDS và lẽ công bằng theo quy định của BLDS. Theo HĐXX, hoạt động của con người là hoạt động có ý thức, mọi việc làm đều có mục đích. Ông V nuôi dưỡng, chăm sóc cháu L là để được hưởng lợi về mặt tình cảm và trông cậy lúc tuổi già, tuy nhiên mục đích ấy đã không đạt được. Vì vậy, người gây thiệt hại phải bồi thường là phù hợp với quy định chung của pháp luật và vì lẽ công bằng...
Từ đó, HĐXX sơ thẩm buộc bà H bồi thường cho ông V hơn 96 triệu đồng.
Ba điểm tích cực của bản án
Thứ nhất: Khi pháp luật quy định chưa rõ ràng, chưa có án lệ về vụ việc tương tự, tòa đã mạnh dạn áp dụng lẽ công bằng để giải quyết. Điều này cho thấy sự dũng cảm của người áp dụng pháp luật, rất cần thiết để áp dụng các nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.
Thứ hai: Bản án không chỉ tuyên buộc người vợ trả chi phí nuôi dưỡng, công chăm sóc đứa trẻ mà còn ghi nhận cả về bồi thường tinh thần cho người chồng. Điều này là rất hợp lý bởi người chồng không chỉ bỏ tiền, thời gian, công sức chăm sóc mà còn là tình yêu thương đối với đứa con và cả vợ. Vì vậy, việc “nuôi con người khác” còn gây tổn thương về tinh thần khi sự yêu thương, chăm sóc đã trái với kỳ vọng của người chồng.
Thứ ba: Từ bản án này, các tòa sẽ mạnh dạn áp dụng đối với những vụ việc tương tự và đối tượng áp dụng không chỉ là người vợ mà cả người chồng nếu có hành vi vi phạm tương tự.
TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Phó Trưởng khoa Luật dân sự
Trường ĐH Luật TP.HCM