Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang kêu gọi gói cứu trợ khẩn cấp trị giá khoảng 77 triệu USD bao gồm lương thực, nước và dịch vụ y tế cho những người Rohingya đã rời Myanmar và tị nạn ở các nước láng giềng. Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ cũng đã lên tiếng quan ngại, kêu gọi tiến hành các bước khẩn cấp nhằm chấm dứt bạo lực ở Myanmar.
Khủng hoảng sắc tộc?
Người Rohingya là nhóm người thiểu số Hồi giáo không có quốc tịch sống ở bang Rakhine của Myanmar. Người Rohingya từ lâu đã sống trong tình trạng bị phân biệt sắc tộc, gặp vô số khó khăn khi tiếp cận giáo dục, y tế, bị hạn chế về cơ hội việc làm và cũng không có quyền bầu cử. Tình trạng bạo lực bắt đầu nổ ra vào ngày 25-8 khi phiến quân Rohingya tấn công các đồn cảnh sát ở phía Bắc bang Rakhine và giết hại 12 cảnh sát với lý do chống lại những hành động “khủng bố” của quân đội với người Hồi giáo thiểu số. Đáp trả, quân đội Myanmar phát động “chiến dịch rà phá” nhằm truy lùng và tiêu diệt những người được cho là thành viên của nhóm nổi dậy Đội quân cứu nguy Arakan Rohingya (ARSA).
Kể từ đó, làn sóng người Rohingya chạy khỏi Myanmar bắt đầu tăng mạnh. Những người tị nạn nói quân đội Myanmar đã đốt phá làng mạc và giết hại dân thường để xua đuổi họ ra khỏi biên giới. Ngược lại, chính phủ Myanmar đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc, khẳng định quân đội chỉ đang chống lại “quân khủng bố” người Rohingya. Theo truyền thông quốc tế, có khoảng 379.000 người Rohingya đã chạy trốn sang Bangladesh. Các cơ quan cứu trợ cho hay họ đang trong tình trạng thiếu thốn thực phẩm, nơi tạm trú, trợ giúp y tế và các nguồn cứu trợ hiện cũng không đủ.
Chính phủ Myanmar tuyên bố khoảng 400 người đã thiệt mạng cho đến nay, mặc dù các quan chức LHQ ước tính số người chết là hơn 1.000 người. Ông Zeid Raad Al Hussein, Chủ tịch Cao ủy Nhân quyền LHQ, khẳng định chiến dịch an ninh nhằm vào người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar có dấu hiệu “thanh lọc sắc tộc”. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên án cuộc xung đột ở Myanmar là “thảm họa nhân đạo” và “hoàn toàn không thể chấp nhận”. Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cũng cam kết trợ giúp người Rohingya, bao gồm việc xây thêm trung tâm cho người tị nạn nhưng bà cũng yêu cầu Myanmar sớm “đưa người dân của mình quay trở về”.
Bà Aung San Suu Kyi bị nhiều người chỉ trích vì giữ im lặng trước cuộc xung đột đang diễn ra giữa quân đội với cộng đồng người Rohingya. Ảnh: AFP
Hàng trăm ngàn người Hồi giáo thiểu số Rohingya đã tràn sang Bangladesh tị nạn sau khi xảy ra xung đột với quân đội chính phủ. Ảnh: AP
Trong bối cảnh bạo lực có yếu tố sắc tộc nhiều tranh cãi bùng nổ ở Myanmar, nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, người từng được giải Nobel Hòa bình vì những đấu tranh không mệt mỏi chấm dứt chính phủ quân sự tại nước này, vẫn giữ im lặng trước cuộc xung đột.
Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng bắt đầu ở bang Rakhine trên đài truyền hình của Ấn Độ hồi tuần trước, bà Suu Kyi không nhắc đến số phận hơn 1 triệu người Rohingya cư ngụ ở Rakhine mà chỉ khẳng định chính phủ Myanmar đang phải đối mặt với “thách thức lớn nhất” từ trước tới nay. “Thật không hợp lý khi yêu cầu chúng tôi giải quyết vấn đề này trong vòng 18 tháng. Tình hình tại bang Rakhine đã tồn tại như vậy nhiều thập niên qua” - bà Suu Kyi nói.
Nhà lãnh đạo Myanmar cũng khẳng định chính phủ cần phải “chăm sóc mọi người dân của đất nước, dù họ là công dân của Myanmar hay không”. Bà Suu Kyi cho biết: “Nguồn lực của chúng tôi không đầy đủ và hoàn hảo nhưng chúng tôi sẽ cố hết sức mình và đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng sự bảo vệ của pháp luật”. Theo tờ The Guardian, trong cuộc điện đàm trước đó với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recip Tayyip Erdogan, bà Suu Kyi tuyên bố cuộc khủng hoảng người Rohingya đang bị một “tảng băng lớn thông tin sai lệch” bóp méo. Bà cho rằng các tin tức giả mạo về cuộc khủng hoảng đang được lan truyền nhằm phục vụ lợi ích của những kẻ khủng bố.
Hồi năm 2012, khi cuộc xung đột với người Hồi giáo Rohingya xảy ra, bà Suu Kyi cũng từng im lặng về vấn đề này. Chỉ khi được các phóng viên phỏng vấn, bà mới nhắc lại tuyên bố chính thức của quân đội Myanmar rằng người Rohingya đang cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ Myanmar. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào năm 2013, bà Suu Kyi cũng phủ nhận các cáo buộc về tình trạng “thanh lọc sắc tộc” tại Rakhine.
Hãng tin Reuters hôm 13-9 cho biết Myanmar đang đàm phán với Trung Quốc và Nga để ngăn chặn sự chỉ trích của HĐBA LHQ trong cuộc họp sắp tới ở New York. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng sẽ đến thăm Myanmar trong tuần này. New Delhi gần đây đã tuyên bố kế hoạch trục xuất khoảng 40.000 người Hồi giáo Rohingya không quốc tịch ra khỏi Ấn Độ.
Thách thức lớn phải đối mặt
Bà Aung San Suu Kyi hiện phải đối mặt với thách thức to lớn khi bị những người từng ủng hộ bà ở phương Tây chỉ trích vì không ngăn được bạo lực diễn ra với cộng đồng người Hồi giáo Rohingya. Tổng Giám mục Anh giáo người Nam Phi Desmond Tutu, chủ nhân của giải thưởng Nobel Hòa bình 1984 , trong bức thư gửi cho bà Suu Kyi được đăng tải trên mạng trực tuyến đã kêu gọi nhà lãnh đạo Myanmar lên tiếng chấm dứt các hoạt động chống lại người Rohingya có dính líu đến quân đội. Cô Malala Yousafzai, người từng được nhận giải Nobel Hòa bình ở tuổi 17, cũng khẳng định “thế giới đang chờ đợi” bà Suu Kyi hành động để chấm dứt bạo lực ở Rakhine.
Tại Washington, nghị sĩ Cộng hòa John McCain và nghị sĩ Dân chủ Richard Durbin đã soạn nghị quyết đề nghị bà Suu Kyi hành động. Trong khi đó chính phủ Malaysia, Indonesia, Bangladesh, Pakistan và nhiều quốc gia khác cũng gây áp lực lên Myanmar yêu cầu chấm dứt bạo lực. “Nhà lãnh đạo trên thực tế cần phải can thiệp. đó là những gì chúng tôi mong đợi đối với bất kỳ chính phủ nào nhằm bảo vệ mọi người trong phạm vi quyền hạn của mình” - bà Lee Yang-hee, Đặc sứ LHQ về nhân quyền ở Myanmar, khẳng định.
Theo tờ Independent của Anh, hiện có gần 400.000 người đã ký tên trên mạng trực tuyến để yêu cầu tước giải thưởng Nobel Hòa bình của bà Suu Kyi vì cho rằng bà đã không làm gì để ngăn chặn bạo lực diễn ra. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP, ông Olav Njolstad, người đứng đầu của Viện Nobel, nói rằng không ai bị tước giải Nobel sau khi đã được trao tặng. Ông Gunnar Stalsett, cựu Giám đốc Ủy ban Nobel năm 1991, cũng khẳng định giải thưởng Nobel Hòa bình sẽ không bị hủy bỏ trong trường hợp của bà Suu Kyi. “Giải Hòa bình chưa bao giờ bị thu hồi và ủy ban không buộc tội hoặc phê bình những người được giải thưởng” - ông Stalsett khẳng định.
Quyền lực của quân đội Theo tờ Asian Nikkei Review, bà Aung San Suu Kyi đang buộc phải thỏa hiệp vì vị thế chính trị của bà ở Myanmar. Theo đó, mặc dù là lãnh đạo thực quyền của Myanmar nhưng bà Suu Kyi vẫn có những hạn chế theo quy định của hiến pháp Myanmar. Bà không kiểm soát được quân đội vốn nắm giữ một phần chính phủ và có toàn quyền kiểm soát các vấn đề an ninh của đất nước. Nhà lãnh đạo quân đội Myanmar là Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar. Lực lượng vũ trang ở Myanmar có quyền kiểm soát tất cả vấn đề về an ninh đất nước, chiếm giữ 25% ghế trong nghị viện và vẫn còn quyền phủ quyết hiến pháp. Bà Suu Kyi hiện là cố vấn nhà nước và bộ trưởng Ngoại giao Myanmar. Một số quan chức trong chính phủ Myanmar cũng cho biết bà Suu Kyi “hầu như không được thông báo” về tình hình ở Rakhine và “thậm chí sau đó bà chỉ được cung cấp những chi tiết chung chung nhất”. Bà Aung San Suu Kyi cũng được cho là đã đề xuất thành lập một ủy ban về quyền bình đẳng cho người Hồi giáo thiểu số Rohingya trước khi vụ bạo lực ở Rakhine diễn ra hôm 25-8, tuy nhiên đề xuất này đã bị quân đội Myanmar lập tức bác bỏ. |