Bà, cháu và nham hiểm lòng người

Trời dần tối, bà Hương lạch cạch nhấc chiếc xe máy cũ kỹ của đứa cháu họ ra khỏi cánh cửa phòng trọ. bé Tâm leo lên xe, hai tay ôm chặt lấy bà ngoại. Tiếng động cơ nổ, hai bà cháu lao đi giữa màn đêm để đến điểm bán vé số. Ngoài kia mưa rơi trĩu hạt.

Bốn tuổi, cùng đi kiếm sống

Xấp vé số trên tay bé Tâm vơi dần đi theo thời khắc của ngày tàn. Từ khi cha mẹ ly hôn, Tâm cùng hai anh về sống với bà ngoại. Phòng trọ bốn người nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở quận 9 (TP.HCM). Duy - anh Hai của Tâm giúp việc trong một quán phở. đồng lương nhận được chỉ phụ giúp thêm chi phí hằng tháng phải trả. Thành - anh Ba đi bán vé số như Tâm. Vì còn quá nhỏ nên Tâm phải đi bán cùng bà ngoại. để Tâm ở nhà một mình bà không yên tâm.

“Sau khi chia tay nhau, cha mẹ nó ai cũng có gia đình mới. mẹ làm công nhân trên thành phố. Cha nó sống với người vợ sau tại Đức Linh, Bình Thuận” - bà Hương đưa tay vén tóc bé Tâm, ngậm ngùi nói.

Ba anh em sống chung với bà ngoại. Sự vỗ về, quan tâm và chỉ bảo của người mẹ, người cha là điều quá xa vời với các em. Bằng tuổi em, có bạn giờ đang ngồi ở các lớp học tiếng Anh, được cha mẹ dẫn đi du lịch hết nơi này đến nơi khác. có bạn đang ê a các con chữ đầu tiên trong các lớp học thêm. Cái phiên bản ấy đến em thì khác hẳn: Sáng dậy sớm cùng ngoại đi bán vé số, giữa cái nắng của ngày hè, em - đầu không đội nón, tay cầm xấp vé số mời mọc hết người này đến người khác. Tối đến khi nhà nhà lên đèn, quây quần bên mâm cơm, em lại lang thang các con đường ở quận 9, bữa cơm tối trở nên xa xỉ. “Buổi tối, vì phải đi bán nên thường không nấu ăn, tối về nhà còn gì ăn đó, có hôm mệt quá nó lăn ra ngủ, không ăn gì hết” - bà Hương nói.

Bé Tâm ra sức chà đôi guốc mẹ mua cho như muốn cất giữ một báu vật. Ảnh: T.TUYỀN

“Em đã ăn gì chưa?”. “Dạ chưa đâu, đi bán vậy sao ăn được chị” - hai tay xoắn vào nhau, bé Tâm trả lời. “Thế em muốn ăn gì?”. “Bánh kem” - em đáp mà không cần suy nghĩ.

“Sao lại là bánh kem mà không phải món khác?”. “Vì mẹ hứa mua bánh kem cho em ăn, mà từ đó tới giờ em chưa được mẹ mua cho ăn lần nào” - em nhìn tôi, ánh mắt trong trẻo.

Bi kịch ngày về thăm cha

Một buổi trưa, tôi đến thăm Tâm. Dáng người nhỏ nhắn, vẫn bộ đồ màu cam em hay mang, chân mang đôi guốc mộc màu hồng, hớn hở.

Vừa xuống xe, bé Tâm liền chạy vào nhà, tay xách đôi guốc, ngồi trên cái ghế nhỏ, lấy xà bông ra sức chà thật sạch đôi guốc mộc. Bà Hương quay sang hỏi: “Mày làm gì vậy Tâm?”. “Con chà đôi guốc cho sạch, trời mưa nên nó bám đầy bùn, dơ lắm” - tay vừa chà mạnh, bé Tâm lí lắc nói.

Hỏi ra mới biết đó là đôi guốc mẹ em mua cho trong lần gặp gần đây. Nói mua cho thì không đúng, mà như lời bà Hương bảo: “Nó về, đưa cho tui năm mươi ngàn, bảo tui ra chợ mua cho con Tâm đôi guốc mộc, rồi nó đi”…

Khi mới ly hôn, mẹ đi mà không ngoái đầu nhìn em lấy một lần, cứ biền biệt suốt như thế. Mãi đến sau này mẹ mới về thăm em, ban đầu là một tuần một lần, rồi vơi dần đi. “Có hôm cuối tuần nó về, về rồi nó đi lại, không ở với tụi nhỏ được một đêm cho gần mẹ gần con” - bà Hương tâm sự. Thời gian đầu khi xa mẹ, Tâm ngày nào cũng khóc, “nó cứ đòi tìm mẹ về cho nó, giờ nó quen luôn rồi, sau này không nhắc gì tới nữa, chừng nào mẹ về thì về, nó không hỏi gì nữa hết”.

Bỗng nhiên nhắc tới cha, Tâm bảo: “Ba em đang bị bệnh, ba bảo khi nào hết bệnh sẽ lên thăm em”. Tôi hỏi đùa: “Sao em không về thăm ba?”. “Em đâu có biết đường đâu mà về”. Đến đây, bà Hương nhìn đứa cháu bốn tuổi, lắc đầu: “Về thăm ba nó hả, nghiệt ngã lắm!”.

Tháng 10 năm trước, anh Tưởng - cha của Tâm gọi điện thoại cho bà Hương bảo nhớ bé, xin phép bà dẫn bé về chơi với anh vài ngày. Thương cháu, bà Hương đồng ý. Bà chỉ không ngờ ngày về cũng là ngày hai bà cháu suýt chết vì sự ghen ghét của bà Loan (vợ sau của anh Tưởng). Biết được bà Hương và bé Tâm sẽ về chơi, bà Loan đã nảy sinh ý định giết Tâm bằng thuốc chuột. Vì đi đường xa mệt quá nên Tâm không uống, bà ngoại uống và được phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời.

“Nhìn ngoại nằm trên giường, thấy mấy người mặc áo trắng làm gì ngoại em sợ lắm, ngoại cứ ói hoài, mà ói ra cái gì ghê lắm. Em khóc quá trời. Ngoài kia có còn người xấu nữa không chị? Lỡ người ta làm gì ngoại, ai nuôi em…?” - đôi mắt trong vắt, Tâm nhìn tôi. Khoảng trống và sự thiếu thốn trong em chưa được lấp đầy nay lại tổn thương nhiều hơn. Em không biết rằng sự sống của chính em đang bị đe dọa, cái khát khao sống, sau này đi làm “kiếm tiền mua nhà lầu, iPhone cho ngoại” mà em từng nói suýt nữa đã không thể thực hiện được.

Tám năm tù là bản án TAND tỉnh Bình Thuận mới đây dành cho người phụ nữ muốn hãm hại Tâm. Sẽ chẳng bao giờ ngoại hiểu hết được những mất mát mà Tâm phải trải qua. “Ngoài kia có còn người xấu?”, “Ai nuôi em?” - những câu hỏi ám ảnh em mỗi ngày trên con đường đi bán vé số, con đường gập ghềnh, chông chênh mãi…

THANH TUYỀN

Do ghen tức anh Tưởng hay cho tiền con riêng là cháu Tâm và mẹ vợ cũ là bà Hương nên Trần Thị Kim Loan nảy sinh ý định giết chết hai bà cháu. Để thực hiện ý định, khoảng 10 giờ ngày 26-10-2013, nhân lúc anh Tưởng nhờ đi đón hai bà cháu từ TP.HCM về nhà anh Tưởng chơi, Loan đã mua một gói thuốc diệt chuột, hòa tan thuốc vào một chai nước ngọt nhãn hiệu Sting rồi đưa cho cháu Tâm uống. Do đi xe đường xa mệt nên cháu Tâm không uống mà đưa cho bà Hương giữ. Bà Hương đã uống một ít sau khi về đến nhà anh Tưởng. Một lúc sau, có người báo cho anh Tưởng biết được trong chai nước có độc, kịp thời đưa bà Hương đi cấp cứu nên hậu quả chết người chưa xảy ra.

(Trích bản án của TAND tỉnh Bình Thuận)

1,75 triệu là số lao động trẻ em trên cả nước. Số lao động này tập trung ở độ tuổi 5-17, trong đó lao động có nhóm tuổi 5-11 chiếm khoảng 15%. Hiện có 45,2% lao động trẻ em vẫn tiếp tục đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học.

Nguồn: Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em của Bộ LĐ-TB&XH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm