Ba chìa khóa xin việc tại Nhật

Câu chuyện du học xong về nước hay ở lại là câu chuyện dài, chưa có hồi kết. Tuy nhiên, đối với những du học sinh quyết định ở lại Nhật đi làm thì việc chinh phục nhà tuyển dụng tại Nhật không phải là chuyện dễ. Nhất là khi trong những năm gần đây, những khó khăn nội tại của nền kinh tế đẩy một bộ phận không nhỏ sinh viên đại học ra trường thất nghiệp, ngay cả đối với những sinh viên bản địa.

Xin việc trước khi tốt nghiệp… cả năm trời

Giống như một số nước phát triển khác, khả năng làm việc của sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học ở Nhật là khá sớm. Các nhà tuyển dụng đã “gõ cửa” nhiều trường đại học có liên kết doanh nghiệp từ khi các sinh viên vừa kết thúc năm thứ ba đại học. Nhiều doanh nghiệp “đặt hàng” trường đại học và trường đại học có quyền tiến cử sinh viên (thông qua điều tra nguyện vọng do trường tổ chức) theo chỉ tiêu hằng năm của doanh nghiệp. Đây là cơ hội rất tốt, vậy nên ngay từ thời sinh viên, du học sinh phải chủ động xây dựng năng lực, kỹ năng với mục tiêu nhận giấy tiến cử của trường.

Nếu chẳng may trượt trước tất cả cánh cửa tuyển dụng, du học sinh đừng vội nản chí. Nhiều du học sinh Việt Nam tại Nhật háo hức chia sẻ trên Diễn đàn Thanh niên Việt Nam tại Niigata: “Đây là lần duy nhất trong cuộc đời sinh viên mình có cơ hội tự do vào thăm bao nhiêu công ty tùy thích, có thời gian trấn tĩnh ngồi nhìn lại phần cuộc đời đã trải qua để phân tích chính mình, có thời gian học kỹ năng làm thế nào để thể hiện chính xác mình trong khoảng thời gian ngắn nhất. Có thể coi đó là một khóa học đặc biệt của trường đại học, của công ty, của trường đời”.

Để có việc làm tốt tại Nhật, du học sinh cần có sự chuẩn bị từ sớm và ứng xử linh hoạt trong các tình huống.

Ba chìa khóa xin việc hiệu quả

Biết phân tích bản thân: Việc phân tích bản thân sẽ mang lại cho du học sinh hai yếu tố quan trọng: i) hiểu mình cần gì; và ii) hiểu mình mạnh gì, yếu gì. Đây là then chốt trong quá trình chọn, viết hồ sơ xin việc, đi phỏng vấn. Để làm được điều này, du học sinh có thể đến trường học lấy tài liệu, sau đó lên các trang web đăng ký phân tích bản thân để thực hiện.

Tham quan nhà máy, công ty: Khi viết hồ sơ xin việc, gần như 100% các doanh nghiệp yêu cầu du học sinh giải đáp “Tại sao anh/chị lại chọn công ty chúng tôi?”. Việc tham quan công ty sẽ cho du học sinh cái nhìn tổng thể, tìm ra những thông tin cơ bản, hay đơn thuần là cảm xúc mà một du học sinh từng xin việc thành công ở Nhật chia sẻ: “Tôi đến nhà máy của quý công ty thấy trang thiết bị hiện đại, tinh vi. Tuy vậy vẫn có những công đoạn cần đôi bàn tay của con người. Nhìn những khuôn mặt chăm chú của người công nhân lao động miệt mài, tôi nghĩ mình thuộc về môi trường này...”.

Nói chuyện với nhân viên công ty: Trong hồ sơ xin việc, để chứng minh bạn đam mê công việc, có khả năng hòa nhập, có óc quan sát, bạn nên lồng vào đó những câu chuyện “người thật, việc thật” mà bạn chứng kiến. “Gặp anh Tanaka của quý công ty, tôi đã có dịp nghe anh nói về cảm giác vui sướng từ lúc cùng mọi người hoàn thành thiết kế đến khi sản phẩm xuất hiện trên catalog của công ty. Nhìn vào ánh mắt ánh lên của anh, tôi ước gì mình làm được công việc như thế, với những con người như thế. Tôi muốn cảm nhận được niềm vui lao động giống anh” - một cựu du học sinh tại Nhật chia sẻ câu chuyện của mình khi xin việc.

Hãy chỉ tôi thấy điểm yếu của bạn!

Đây gần như là “yêu cầu tủ” trong hồ sơ cũng như khi phỏng vấn. Nguyên tắc chung, khi bạn nêu điểm mạnh bản thân, bạn phải kể một câu chuyện nhỏ có thật để chứng minh. Giả dụ như “Điểm mạnh của tôi là khả năng giao tiếp và ngoại ngữ. Tôi có sáu người bạn thân đến từ bốn quốc gia khác nhau”.

Trái lại, khi nêu điểm yếu, bạn không cần kể câu chuyện. Tuy nhiên, đó là cơ hội để bản thân “khoe” thêm những điểm mạnh khác, ví dụ: “Điểm yếu của tôi là khả năng quản lý thời gian. Có lần tôi phải phát biểu tại hội thảo nhưng còn một ngày mà tôi chưa làm xong file Powerpoint. Nhưng mải mê làm thí nghiệm nên tôi không quan tâm lắm, đến khi ngẩng đầu lên thì đã là đêm. Và đêm đó tôi phải thức trắng để làm file Powerpoint”. Câu chuyện dường như nói về khả năng quản lý thời gian kém nhưng thực ra bạn quảng cáo ngầm được hai điểm tốt: Bạn có khả năng tập trung cao độ và bạn có thể lực để làm việc trong cường độ khắc nghiệt.

HOÀNG HẢI, học viên cao học tại Nhật

 

Không tùy tiện chọn việc để… nhảy việc

Nhiều du học sinh cho rằng “cứ chọn bừa công ty nào đó làm, rồi sau đó có thể đổi công ty theo kiểu “nhảy việc” cũng được. Sai! Chỉ khi bạn đang ở trong trường đại học và xin việc lần đầu, bạn mới có cơ hội vào thăm bất cứ công ty nào bạn muốn. Nếu đã chọn và làm việc cho một công ty nào đó rồi, quyền lợi này sẽ không còn “linh nghiệm” nữa. Thậm chí cũng không nên nghĩ rằng khi bạn có kinh nghiệm rồi thì các công ty sẽ mặc nhiên muốn nhận bạn. Bạn có kinh nghiệm nhưng xuất phát từ công ty khác đào tạo. Có khi doanh nghiệp sẽ phải “tẩy” bạn đi rồi đào tạo lại từ đầu, rất tốn kém và mất thời gian.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm