Bà Nguyễn Phương Hằng có thể bị tạm giam tối đa bao lâu?

(PLO)- Theo luật sư, quá trình điều tra và điều tra bổ sung vụ án, VKS đã gia hạn tạm giam đối với bà Hằng căn cứ theo Điều 173 BLTTHS là phù hợp với quy định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, ngày 28-4, sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án từ VKSND cùng cấp, TAND TP.HCM đã ra quyết định tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng thêm 60 ngày để chờ xét xử.

Như vậy, tính từ thời điểm bị bắt tạm giam 3 tháng ngày 24-3-2022, sau nhiều lần gia hạn tạm giam, bà Hằng đã bị tạm giam tổng cộng hơn 13 tháng.

Theo cáo trạng của VKSND TP.HCM, đây là vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do bị can Nguyễn Phương Hằng cùng bốn đồng phạm thực hiện.

Theo thống kê thì từ khi bị bắt tới nay bà Hằng bị gia hạn tạm giam 7 lần.

Nhiều bạn đọc thắc mắc, luật quy định thế nào về việc tạm giam?

Bà Nguyễn Phương Hằng

Bà Nguyễn Phương Hằng

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: theo cáo trạng, bà Hằng bị truy tố theo khoản 2 Điều 331 BLHS với khung hình phạt từ hai đến bảy năm tù. Đây là tội nghiêm trọng theo điểm b Điều 9 BLHS. Việc tạm giam và gia hạn tạm giam đối với bà Hằng sẽ căn cứ vào Điều 173 BLTTHS.

Điều 173 BLTTHS quy định thời hạn tạm giam để điều tra không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam CQĐT phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn tạm giam. Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 2 tháng.

Trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, VKS nhiều lần gia hạn tạm giam đối với bà bởi sau khi CQĐT hoàn tất KLĐT chuyển cho VKS thì VKS đã nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ một số tình tiết trong vụ án. Trong quá trình đó, VKS đã gia hạn tạm giam đối với bà Hằng căn cứ theo Điều 173 BLTTHS là phù hợp với quy định.

Về việc TAND TP.HCM ra quyết định tạm giam đối với bà Hằng thêm 60 ngày để chờ xét xử, căn cứ Điều 277 BLTTHS thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội nghiêm trọng là 45 ngày. Tại khoản 1 này cũng quy định, đối với vụ án phức tạp, thì Chánh án có thể gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử không quá 15 ngày.

Như vậy, Chánh án TAND TP.HCM có quyền quyết định thời hạn chuẩn bị xét xử là 60 ngày.

Thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung

Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Trường hợp vụ án do VKS trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do tòa trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng.

VKS chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và HĐXX chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.

Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày CQĐT nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung. Trường hợp cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung không được quá thời hạn điều tra bổ sung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm