Mới đây Sở TN&MT Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề xuất với Bộ TN&MT xem xét, ủy quyền cho tỉnh được cấp phép nhận chìm bùn nạo vét ở biển đối với những dự án có khối lượng dưới 50.000 m3 tại các khu vực biển đã có quy hoạch. Tuy nhiên, đề xuất này không được Bộ TN&MT chấp thuận.
Lo ngại mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến DN
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, dựa trên quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh (được phê duyệt năm 2011), Bà Rịa-Vũng Tàu đã cho phép tổ chức, cá nhân đổ bùn thải nạo vét tại Khu A với tổng khối lượng khoảng 21 triệu m3. Khu A (ngoài khơi Vũng Tàu) được quy hoạch vị trí đổ bùn của dự án Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, cách mũi Nghinh Phong, Vũng Tàu 10 km với diện tích 225 km2.
Sau đó, việc cấp phép này của tỉnh gặp vướng mắc khi Nghị định 40/2016 (quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, có hiệu lực từ tháng 7-2016) và Nghị định số 51/2014 (về giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân) ra đời. Theo đó, thẩm quyền cấp phép nhận nhìm này được giao tất cả về Bộ TN&MT. Các đơn vị có nhu cầu nhận chìm bùn nạo vét ở biển trên địa bàn tỉnh phải lập hồ sơ nộp tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (thuộc Bộ TN&MT).
Tại cuộc làm việc mới đây vào cuối tháng 11 giữa Bộ TN&MT với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh này, cho hay hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có một trường hợp được thụ lý hồ sơ xin cấp phép nhận chìm. Đó là trường hợp của Tổng Công ty ĐBATHH miền Nam đang được Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thụ lý hồ sơ cấp phép để nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu-Thị Vải. Thế nhưng đến nay hồ sơ này chưa được duyệt.
Sở TN&MT Vũng Tàu cũng cho hay hằng năm trung bình các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu nhận chìm bùn nạo vét ở biển khoảng 5 triệu m3. Theo đó, trên thực tế nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ có nhu cầu nhận chìm với khối lượng ít, bằng hoặc dưới 50.000 m3. Nếu theo quy định hiện nay thì các DN phải nộp hồ sơ tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Điều này mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.
Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị Bộ TN&MT quan tâm, giải quyết sớm các hồ sơ xin cấp giấy phép nhận chìm. Đồng thời xem xét ủy quyền cho tỉnh được cấp phép nhận chìm bùn nạo vét ở biển đối với những trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chìm bùn nạo vét với tổng khối lượng bùn dưới 50.000 m3 tại các khu vực biển đã có quy hoạch.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đang trả lời các kiến nghị của Bà Rịa-Vũng Tàu liên quan đến việc cấp phép nhận chìm tại cuộc làm việc giữa hai bên vào cuối tháng 11. Ảnh: TNMT
Sơ đồ vị trí nhận chìm bùn nạo vét ở khu A, được Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt từ năm 2011, có sức chứa lên đến 69 triệu m3.
Trả lời đề nghị của Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Phạm Ngọc Sơn, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT), cho hay: Đây không phải là vướng mắc riêng của Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn là chung cho hệ thống các cảng khác thuộc diện Bộ GTVT quản lý (hơn 40 cảng).
Theo ông Sơn, hiện nay Bà Rịa- Vũng Tàu có một hồ sơ duy nhất xin được cấp phép nhận chìm của Tổng Công ty BĐATHH miền Nam, nạo vét luồng Vũng Tàu-Thị Vải. Hội đồng cấp bộ thẩm định hồ sơ cấp phép nhận chìm này sẽ sớm họp để xem xét, giải quyết.
Về phân cấp thẩm quyền cấp phép, ông Sơn cho rằng căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Bộ TN&MT không có quyền ủy quyền cho tỉnh được cấp phép cho DN. Do vậy, Bộ TN&MT không thể đáp ứng được đề nghị này.
Ông Sơn đánh giá Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những tỉnh đã đi trước so với các tỉnh khác khi ký ban hành quy hoạch vị trí nhận chìm bùn thải ngoài biển từ năm 2011. Nhưng đáng nói ở đây là nhiều dự án chỉ xin phép nhận chìm khoảng 50.000 m3/năm.
Theo ông Sơn, với những DN xin nhận chìm khối lượng nhỏ như vậy ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì cần phải có một đơn vị thay mặt các DN này, nói ngắn gọn là một đơn vị thầu, để làm một bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chung về nhận chìm. Bộ TN&MT sẽ xem xét cấp phép một lần.
Về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng “Hiện nay liên quan đến việc cấp phép nhận chìm đang vướng mắc ở cả hai bên, tỉnh và Bộ…”.
Ông Hà đề ra hướng các DN có thể lựa chọn một đơn vị có khả năng nạo vét, làm đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chung cho tất cả DN theo yêu cầu về ĐTM nhận chìm hiện nay. Nếu khu vực có thể cho phép nạo vét đến 20 năm thì đơn vị ấy có thể làm ĐTM đến 20 năm cho tất cả, để hằng năm không phải làm nữa.
“Nếu làm được như vậy thì Bộ cũng đơn giản mà tỉnh cũng đơn giản, các DN cũng đơn giản” - ông Hà nói và yêu cầu đơn vị này phải có năng lực thực hiện và có trách nhiệm nạo vét đúng yêu cầu, đi đúng lộ trình, đúng tuyến, tránh tình trạng DN do ngại vận chuyển xa, đi đến nửa đường đã đổ. Quan trọng nữa là các cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ họ.
Hai khu đổ bùn hàng chục triệu mét khối ở Bà Rịa-Vũng Tàu Năm 2011, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh, gồm hai khu. Khu A: Khu đổ tại vị trí ngoài khơi Vũng Tàu. Đây là vị trí đã được quy hoạch để đổ bùn của dự án Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Khu A cách mũi Nghinh Phong Vũng Tàu 10 km, diện tích 225 km2, sức chịu tải 69 triệu m3 lượng bùn thải. Khu B: Khu cù lao Mỏ Nhát. Đây là khu vực cù lao nằm giữa sông Mỏ Nhát và rạch Ngã Tư có diện tích khoảng 163 ha với sức chứa khoảng 3.260.000 m3. Khu này chứa các bùn hữu cơ có lẫn rễ cây - không cho phép đổ ra biển. |