Bác sĩ bán ma túy cho con nghiện

VKSND TP.HCM vừa hoàn tất hồ sơ vụ án Trần Hiệp Thuần, chuyển cho TAND cùng cấp để xét xử về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trước đó hồ sơ này bị trả, yêu cầu VKS điều tra bổ sung, làm rõ việc truy tố ông Thuần với tội danh trên đã phù hợp chưa. Đáng chú ý còn có một số người, trong đó có cả thương binh được cấp thuốc, dùng không hết mang bán lại cho Thuần cũng bị xử lý.

Ý tưởng có một không hai

Ông Thuần sinh năm 1961, nguyên là bác sĩ làm việc tại Trung tâm Y tế quận Tân Bình, TP.HCM. Chiều 4-7-2015, trước cổng BV Thống Nhất, quận Tân Bình, công an bắt quả tang ông Thuần đang bán chất ma túy cho NHL. Công an thu giữ 10 ống bơm tiêm chứa chất không màu, thể tích 30 ml, dung dịch có chứa thành phần morphine với nồng độ morphine trung bình là 0,04 mg/ml.

Quá trình điều tra xác định từ tháng 9-2014 đến khi bị bắt, Thuần đã mua 2.428 lọ thuốc có nhãn hiệu morphine (loại 1 ml) với giá 36.000 đồng/lọ. Thuần dùng số thuốc này pha trộn với các lọ thuốc hiệu dimedrol loại 1 ml/lọ để bán cho người nghiện tự tiêm chích thay cho việc sử dụng ma túy. Ngoài L., Thuần còn bán thuốc cho Nguyễn Văn Sơn (đã bị Công an tỉnh Long An bắt giữ về hành vi này) tổng cộng 1.230 ống kim tiêm với giá 50.000 đồng/ống. Giữa năm 2015 Thuần cũng bán 80 ống bơm tiêm cho các con nghiện ở tỉnh Đắk Lắk và TP Tuy Hòa, Phú Yên. Theo công an, Thuần đã thu lợi hơn 55 triệu đồng từ việc làm bất hợp pháp này.

Từ đầu đến cuối ông Thuần cho rằng mình bị truy tố oan. Vì bản thân ông là bác sĩ chuyên điều trị nghiện ma túy, từng tham dự các khóa học nghiệp vụ. Ngoài thời gian làm tại trung tâm y tế, ông còn điều trị cho các bệnh nhân nghiện heroin khi có yêu cầu. Việc mua thuốc trên là phục vụ cho điều trị cắt cơn theo phương pháp nghiên cứu của ông về lĩnh vực này…

Vụ án chưa xét xử nhưng trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia cho rằng ông Thuần không oan. Bởi lẽ dù là bác sĩ nhưng ông không thể tự ý mua nguồn morphine không rõ nguồn gốc rồi tự điều chế và bán cho các con nghiện khi chưa có sự đồng ý của cơ quan y tế có thẩm quyền. Nếu thật sự đây là phương pháp điều trị cắt cơn ma túy thì ông Thuần phải chứng minh được đề tài này của ông đã đăng ký. Ngoài ra, khi sử dụng phương pháp này còn phải được kiểm soát bởi cơ quan có thẩm quyền...

Cũng vì thế mà sau quá trình điều tra lại, VKSND TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như ban đầu.

Xài không hết, bán lại thuốc cũng sai

Đặc biệt liên quan vụ án này, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ để Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt ông Phạm Văn Thường vì đã bán 2.428 lọ thuốc cho Thuần. Ông Thường đã bị xử phạt 15 triệu đồng về hành vi kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề dược và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Khai tại công an, ông Thường nói mình bán các lọ thuốc trên để Thuần sử dụng vào việc cai nghiện ma túy. Vì ông nghe Thuần là bác sĩ “trị” nghiện ma túy và cần thuốc morphine để điều trị. Ông không biết Thuần dùng thuốc để bán cho con nghiện sử dụng thay ma túy. Theo công an, hành vi mua bán thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện này của ông Thường chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để có thuốc bán, ông Thường đã mua lại của ông Đoàn Văn Liễu là thương binh hạng 1/4 (mất hai chân, chấn thương sọ não). Theo chế độ thì ông Liễu được Phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình duyệt cấp 80 lọ/ngày (năm ngày cấp một lần 400 lọ). Ông Liễu được cấp liên tục từ năm 1997 đến nay. Ngoài sử dụng cho bản thân, ông Liễu đã năm lần chuyển bằng xe khách vào TP.HCM bán cho Thường. Ông Liễu khai chỉ biết là bán thuốc để Thường bán lại cho các bệnh nhân ung thư, cụ thể là ai thì không biết. Hiện Công an TP.HCM đã chuyển hồ sơ liên quan đến hành vi quản lý và sử dụng thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện cho Công an tỉnh Thái Bình xem xét xử lý.

Cũng theo các chuyên gia pháp lý, những người cung cấp thuốc cho Thuần cũng không thể vô can. Vì morphine được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học hoặc y tế... Bất kỳ cá nhân nào khi sử dụng morphine đều phải đáp ứng các điều kiện theo pháp luật, nếu không sẽ bị xử lý. Bởi tại danh mục II các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013 của Chính phủ) thì morphine tên khoa học là 7,8-dehydro-4,5-epoxy-3,6- dihydroxy-N-methylmorphinan, được xem là chất ma túy.

Luật quy định rõ

Theo Thông tư liên tịch số 17-2007 Bộ Công an-VKSND Tối cao-TAND Tối cao-Bộ Tư pháp thì chất gây nghiện, chất hướng thần là chất ma túy. Còn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần (chứa một hàm lượng nhỏ chất ma túy) là để chữa bệnh. Thuốc này được quản lý theo quy chế quản lý dược phẩm của Bộ Y tế.

Người nào không thuộc đối tượng theo Điều 201 BLHS (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác) mà vi phạm việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần nhằm mục đích kinh doanh thuốc chữa bệnh hoặc để chữa bệnh thì bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khác không phải là tội phạm về ma túy (ví dụ: tội kinh doanh trái phép, buôn lậu…).

Trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trái phép nhằm thỏa mãn nhu cầu về sử dụng trái phép chất ma túy cho mình hoặc cho người khác thì bị xử lý về tội phạm ma túy tương ứng (nếu thỏa mãn điều kiện về trọng lượng chất ma túy theo quy định của pháp luật).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm