Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Ý thức cách ly rất quan trọng

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương trong cả nước đang rất nỗ lực ngăn chặn những nguồn lây nhiễm từ cộng đồng để kiểm soát dịch bệnh.

Những ngày qua, hai câu chuyện về ý thức cách ly cho thấy việc cách ly để chống dịch rất quan trọng.

Trường hợp đầu tiên, bệnh nhân (BN) nghi nhiễm COVID-19 ở Hà Nội, theo điều tra dịch tễ ban đầu người này tiếp xúc gần BN thứ chín ở Hà Nội vào ngày 8-8.

Người này là F1 của BN 962 và ngay khi biết thông tin trường hợp BN 962 là F1 của BN 812 thì người này đã chủ động ở phòng trọ, tự cách ly, không tiếp xúc gần với ai. Trong thời gian tự cách ly tại phòng trọ, người này luôn giữ khoảng cách và mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Khi đặt hàng mua qua mạng, người này cũng dặn người bán hàng để hàng từ xa rồi tự ra lấy.

Ngày 16-8, người này được lấy mẫu PCR lần một và đưa vào cách ly y tế, sau khi xét nghiệm khẳng định kết quả dương tính SARS-CoV-2. Theo kết quả điều tra sơ bộ thì không ghi nhận trường hợp F1 của người này.

Trái lại, ở trường hợp thứ hai, ngày 16-8, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã phải ra thông báo khẩn tìm người dự đám tang có ba trường hợp mắc COVID-19. Cụ thể, từ ngày 12 đến 14-8, tại K160 Trần Cao Vân, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) có tổ chức đám tang người nhà.

Sau đó, các cơ quan y tế mới phát hiện trong đám tang có ba người nhà dương tính với virus SARS-CoV-2. Kết quả là hơn 130 người dự đám tang đã phải đi cách ly tập trung.

Người dân khi trở về từ Đà Nẵng đã đến Trạm y tế phường 17 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để xét nghiệm COVID-19 và tự ý thức cách ly tại nhà để phòng tránh lây lan dịch bệnh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Còn nguy cơ nhiễm nên tránh tiếp xúc

Trao đổi với chúng tôi, BS Trương Hữu Khanh (Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh, BV Nhi đồng 1) cho biết một trong những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tốt nhất là ý thức tự cách ly của những người đang có nguy cơ nhiễm bệnh.

Bởi khi một người đang có nguy cơ nhiễm bệnh mà tiếp xúc với nhiều người và nếu chẳng may người này nhiễm thì sẽ liên lụy rất nhiều người. Hơn nữa, hậu quả của việc không tự cách ly này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch của các ban, ngành.

Chính vì thế, khi một người còn nguy cơ nhiễm bệnh thì không nên tiếp xúc với ai để bảo vệ người khác và phải giữ khoảng cách an toàn với mọi người cho đến khi nào mình không còn nguy cơ nữa.

“Tôi cho rằng ý thức tự cách ly của những người nghi nhiễm là F1 của BN 962 ở Hà Nội rất tốt. Bởi theo kết quả sơ bộ thì hiện không ghi nhận trường hợp F1 của người nghi nhiễm, đây cũng là một điều đáng mừng.

Chúng ta cần hiểu rằng một khi mình có thể là nguồn lây và không muốn phát tán nguồn bệnh cho người khác thì không nên tiếp xúc với ai, nên ở trong nhà và mang khẩu trang” - BS Khanh nói.

Địa phương phải giám sát F1, F2

Theo BS Khanh, việc các địa phương quản lý các nguồn lây để phòng, chống dịch là rất quan trọng. Cụ thể, chính quyền địa phương phải theo dõi và nắm được danh sách những người nào đang là F1, F2 để có cách phòng, chống và ngăn chặn nguồn lây.

Tại thời điểm dịch bùng phát tại Đà Nẵng từ ngày 25-7, chính quyền địa phương đã khoanh vùng những người đã đi từ ổ dịch về.

Trường hợp truy tìm những người đi đám tang ở Đà Nẵng có ba người nhiễm bệnh, nếu như chính quyền địa phương nắm rõ và có cách phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu thì sẽ có rất ít những người là F1, F2.

Ngoài ra, trách nhiệm của chủ nhà trong trường hợp này cũng rất quan trọng. Đúng ra khi biết mình đang có nguy cơ nhiễm bệnh, gia đình phải thông báo cho địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ. Ngoài ra phải có thông báo để khách đi viếng biết cách phòng, chống dịch bệnh tốt nhất.

“Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mỗi người dân đều có thể là một mắt xích của nguồn lây nhiễm. Nếu chúng ta không tự ý thức cách ly để bảo vệ người khác thì không khéo mình sẽ trở thành một nguồn lây cho cộng đồng.

Nếu mọi người đều có ý thức phòng thủ chắc chắn thì sẽ không bị lây và cũng sẽ không lây cho ai” - BS Khanh nói.

Lập tổ giám sát để phòng, chống dịch

Theo chỉ đạo chung của TP và quận về công tác phòng, chống dịch COVID-19, hiện nay trên địa bàn phường chúng tôi đã thành lập 11 tổ giám sát.

Mỗi tổ này sẽ có các thành phần như trưởng khu phố, công an khu vực cùng các đoàn thể ở khu phố. Nhiệm vụ của tổ giám sát này là khi phát hiện trên địa bàn có tổ chức đám tiệc, phải thông tin kịp thời về cho phường để phường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Vừa rồi, phường nhận tin báo từ các tổ giám sát là có một hộ tổ chức tiệc sinh nhật, tiệc ăn hỏi. Ngay lập tức, lãnh đạo phường đã xuống tiếp xúc, vận động ngừng, không tổ chức nữa.

Đối với trường hợp tổ chức đám tang, khi nhận được tin, phường xuống hướng dẫn gia đình cách phòng, chống dịch bệnh, không tập trung đông người, giữ khoảng cách, rửa tay, mang khẩu trang khi đến viếng tang.

Nếu gia đình nào không có điều kiện thực hiện cách biện pháp chống dịch, phường sẽ hỗ trợ. Đối với những trường hợp đi từ vùng dịch về, phường sẽ tạo nhóm Zalo ở khu phố. Khi đó, những người được phân công theo dõi người đi từ vùng dịch về sẽ báo cáo quá trình cách ly của họ.

Ông NGUYỄN THANH DUY TÂNChủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm