TAND TP Hà Nội vừa phát hành bản án dân sự phúc thẩm về việc yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn là bà NTM (69 tuổi, trú Vân Đồn, Quảng Ninh); bị đơn là báoGia Đình Việt Nam.
Bà M. đòi bồi thường hơn 400 triệu đồng vì báo Gia Đình Việt Nam đăng ảnh khi chưa được sự đồng ý của mình. Ảnh minh họa
Theo nội dung vụ án, bà NTM là mẹ của tử tù Bùi Đức Lợi - người bị tuyên tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản. Năm 2013, ấn phẩm Gia đình Cuộc sống (thuộc báo Gia Đình Việt Nam) đăng năm số báo với nội dung liên quan vụ án này.
Bà M. cho rằng bài báo đã cố tình kết tội, bôi nhọ con trai mình bởi Bùi Đức Lợi chỉ bị tuyên phạt hai tội danh như đã nêu chứ không hề phạm tội hiếp dâm. Ngoài ra, tác giả bài báo còn tự ý đăng ảnh thờ con trai bà để bôi nhọ, xúc phạm linh hồn người chết; tự ý đăng đời tư của bà lên báo mà chưa được sự đồng ý… Do đó, bà M. đã làm đơn khiếu nại đến báo Gia Đình Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) để yêu cầu cải chính, xin lỗi gia đình bà cùng vong linh người chết.
Thanh tra Bộ TT&TT sau đó ra quyết định xử phạt hành chính 9 triệu đồng đối với báo Gia Đình Việt Nam. Tờ báo này cũng đã hai lần đăng tải thông tin cải chính, xin lỗi đối với bà M. cùng gia đình.
Tuy nhiên, cho rằng việc cải chính không đúng quy định, bà M. khởi kiện ra tòa, đồng thời yêu cầu báo bồi thường hơn 300 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần và thu nhập kinh tế.
Tháng 9-2017, TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm, tuyên báo Gia Đình Việt Nam bồi thường cho bà M. hơn 70 triệu đồng, cùng với đó là đăng tải nguyên văn quyết định xử phạt của Bộ TT&TT kèm theo lời xin lỗi đối với bà.
Ngay sau đó bà M. tiếp tục kháng cáo, nâng mức đề nghị bồi thường lên hơn 400 triệu đồng. Báo Gia Đình Việt Nam cũng kháng cáo vì cho rằng bản án sơ thẩm không có căn cứ pháp luật.
Tại phiên phúc thẩm, HĐXX cho rằng báo Gia Đình Việt Nam đã đăng cải chính công khai, xin lỗi bà M. là đúng, cho thấy sự thành khẩn và cầu thị của báo. Bản án sơ thẩm buộc báo phải đăng toàn văn quyết định xử phạt hành chính là không đúng.
Đáng chú ý, tòa cũng bác toàn bộ yêu cầu của bà M. liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại.
Cụ thể, bà M. yêu cầu bồi thường 230 triệu đồng tiền mất thu nhập do không bán được hàng; lý do bởi sau khi bài báo đăng thì bà bị bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, bị khách hàng tẩy chay… Tuy nhiên, HĐXX nhận định bà M. không xuất trình được chứng cứ, kết quả xác minh của tòa sơ thẩm cũng cho thấy không có cơ sở về thu nhập hằng tháng và tổn thất mất thu nhập như bà M. trình bày.
Ngoài ra, bà M. còn yêu cầu bồi thường 50 triệu đồng về tổn thất tinh thần, sức khỏe và thể chất. Về vấn đề này, HĐXX cho rằng bà M. không xuất trình được chứng cứ chứng minh các tổn thất nêu trên, vẫn sinh hoạt bình thường.
Bà cho rằng khi báo Gia Đình Việt Nam đăng bài có nội dung không đúng, đăng ảnh cá nhân của bà khi chưa được sự đồng ý, cải chính nhưng chưa đúng quy định…. khiến bà bị tổn thất về tinh thần và sức khỏe (lo lắng, suy nghĩ nhiều dẫn tới sức khỏe giảm sút).
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm khẳng định ngay sau khi đăng bài báo có phần chưa chính xác và đăng ảnh mà chưa được sự đồng ý của bà M., báo Gia Đình Việt Nam đã cải chính, xin lỗi đúng quy định. Vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của bà M.
Cũng theo bản án, nguyên đơn còn đưa ra nhiều yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế khác nhưng đều bị bác bỏ.
Tranh cãi việc đăng ảnh khi chưa được đồng ý Tại tòa sơ thẩm, nhà báo Phạm Ngọc Dương (tác giả của năm bài báo) cho biết ảnh và thông tin liên quan đến bà M. cũng như con trai của bà đều do bà tự nguyện cung cấp và đồng ý cho đăng. Nội dung bài viết không bịa đặt, vu khống hay dùng lời lẽ cay nghiệt, mỉa mai, bôi nhọ, làm nhục bà M. và con trai. Từng nói với Pháp Luật TP.HCM, nhà báo Phạm Ngọc Dương khẳng định thời điểm chụp ảnh, ông có hỏi ý kiến và thông báo với bà M. về việc sẽ sử dụng ảnh để đăng báo, bà đã đồng ý bằng miệng. “Phán quyết của tòa sẽ tạo tiền lệ xấu vì hàng vạn cá nhân có hình ảnh xuất hiện trên báo khi không có thiện cảm với báo chí sẽ kiện đòi bồi thường dù trước đó đã đồng ý” - ông Dương chia sẻ. Trong khi đó, ông Hồ Minh Chiến (Tổng Biên tập báo Gia Đình Việt Nam) thì cho rằng loạt bài đăng trên ấn phẩm của báo với mục đích nhằm cảnh báo xã hội, lên án những hành vi sai trái như đã phản ánh chứ không hề bôi nhọ cá nhân theo nội dung bà M. khởi kiện. Việc Thanh tra Bộ TT&TT xử phạt cũng rất cứng nhắc, bởi khi tác giả chụp ảnh là chụp trực diện. Bà M. cũng là người chủ động mời nhà báo về để cung cấp thông tin, biết nhà báo chụp ảnh mình nên không thể cấm báo đăng ảnh. “Nếu tòa phúc thẩm y án thì sẽ rất nguy hiểm, không chỉ cho báo Gia Đình Việt Nam mà cho các PV hành nghề báo chí. Giả sử bây giờ tất cả nhân vật trong các bài báo đã đăng đồng loạt khởi kiện thì sao, một ngày có tới hàng trăm bài báo xuất bản, nếu đều phải xin ý kiến và được sự đồng ý thì bao nhiêu cho xuể” - ông Chiến nói. |