CEO THẾ HỆ CUỐI 8X - ĐẦU 9X -

Bài 5: CEO Lê Hoàng Uyên Vy: Đã ước mơ thì phải ước mơ thật lớn

Hiện tại cô CEO 29 tuổi Lê Hoàng Uyên Vy đang đảm nhiệm vai trò quyền tổng giám đốc tại VinEcom. Lê Hoàng Uyên Vy cũng chính là gương mặt trẻ nổi bật hai lần được tạp chí danh tiếng Forbes vinh danh.

Có duyên kiếm tiền từ bé

Lê Hoàng Uyên Vy (ngoài cùng bên trái) gặp gỡ Tổng thống Obama khi ông sang thăm Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nếu Pierre Omidyar tạo ra eBay - trang thương mại điện tử nổi tiếng thế giới chỉ để giúp bạn gái bán một bộ sưu tập kẹo. Thì cô CEO trẻ Lê Hoàng Uyên Vy đã mon men làm quen với thế giới Internet cũng chỉ để thỏa tính tò mò của một cô học sinh cá tính. “Niềm đam mê kinh doanh của mình chắc được thừa hưởng một chút từ cha và mẹ. Cha mình mặc dù không phải là một nhà kinh doanh nhưng cha lại luôn tìm hiểu và kể cho mình nghe những câu chuyện về các doanh  nhân thành đạt. Cha mình rất thích Steve Job, cha cũng chính là người đầu tiên kể cho mình nghe về Steve Job, ông đã lập nghiệp như thế nào. Có lẽ từ những câu chuyện ấy đã mang mình đến với kinh  doanh lúc nào chẳng  hay” - Vy nhớ lại.

Vậy khái niệm kinh doanh đầu tiên đến với Vy như thế nào? “Nói ra chắc bạn không tin đâu. Lúc còn bé, ở trường tôi học hay có ảo thuật gia đến để dạy cho các bạn. Có một lần tôi nhớ họ bán một cuốn sách ảo thuật phôtô màu rất đẹp với giá là 5.000 đồng. Lúc đó tôi đã nghĩ ngay nếu mình lấy cuốn sách đó phôtô ra mỗi cuốn giá 500 đồng và bán lại 2.000 đồng thì bạn bè của mình có khả năng để mua nhiều hơn và mình cũng lời 1.500 đồng/cuốn. Thật sự lúc đó không hiểu kinh doanh là gì cả, chỉ nghĩ cái gì mình mua vào bán ra có lời thì cái đó mình gọi nó là niềm đam mê” - Vy nói.

Từ suy nghĩ kiếm tiền đơn giản chỉ là có thêm một khoản để ăn quà vặt. Năm 11 tuổi, Uyên Vy đã táo bạo thử sức kinh doanh về web. May mắn được tiếp xúc với Internet từ sớm, chính thế giới rộng lớn này Vy có cơ hội nói chuyện với các anh chị bên nước ngoài, những lần chát chít ấy đã thôi thúc Lê Hoàng Uyên Vy tự tìm hiểu và làm cho mình một trang web riêng.

Tự nhận mình là người may mắn. Bởi những lúc tự mày mò để làm web, Vy tình cờ biết được các công ty thiết kế web ở Việt Nam gần như rất hiếm và không có nhiều, chỉ có những công ty rất lớn như FPT, VNN thì có những dịch vụ thiết kế website rất đắt tiền. “Mới lớp 6 mà, khi nghe đến 14 triệu để thiết kế một website 10 trang là thấy lớn lắm. Thế là chơi bạo thôi, mình nghĩ mình cũng biết làm web mà, rồi cũng đưa thông tin lên mạng rao đại khái là thiết kế web trọn gói 10 trang chỉ 4 triệu thôi để cạnh tranh với FPT đó chị” - Uyên Vy nhớ lại.

Kinh doanh chưa bao giờ là… sân khấu

Vy cho biết: “Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ trở thành một giám đốc điều hành trong lĩnh vực thương mại điện tử.  Mặc dù Internet liên quan đến Vy khá sớm. Chính cá tính tò mò đó làm mình trở nên mạnh mẽ hơn. Bước ngoặt làm thay đổi cuộc sống của tôi  khi phát hiện công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam báo giá dịch vụ thiết kế website lên đến hơn 1.000 USD. Trong khi mình có thể thực hiện việc tương tự với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Thế là tôi đã mạnh dạn giới thiệu dịch vụ thiết kế web của mình và tự đặt tên công ty là Tmspeed Network”.

Để có thêm nguồn tài chính cho công ty, Vy lấn sân sang mảng kinh doanh tên miền. Chính những tháng ngày dành thời gian nhiều cho Internet, cô vô tình nghiên cứu được những tên miền ngắn gọn, dễ nhớ có thể được rao bán với giá hàng triệu đô. Và cũng từ đó, Vy dành nhiều thời gian trên mạng hơn chỉ để tìm kiếm những tên miền đẹp chưa có ai đăng ký để bán lại. “Phi vụ thành công nhất của mình chính là bán ra tên miền Tivi.org với giá 2.100 USD - một số tiền rất lớn với cô bé chỉ vừa tròn 13 tuổi” - Vy kể.

Dù có đam mê lớn là kinh doanh website nhưng Uyên Vy hiểu hơn ai hết đây không phải là con đường dễ đi, càng không phải là sân khấu cho cô thể hiện tính tò mò. Để hiện thực hóa giấc mơ của mình, Vy quyết định lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh nơi lưu trữ (web hosting). Không dễ dàng để việc tìm kiếm khách hàng mới, Vy nảy ra ý tưởng cung cấp web hosting miễn phí cho các bạn học sinh, sinh viên để tạo uy tín, thương hiệu cho công ty rồi từ đó bán được những web hosting cao cấp hơn.

Thành công chẳng bao giờ đến một cách đơn giản dù bạn có may mắn đến mấy. Chưa kịp vui trọn với chiến thắng, cô đón nhận thất bại khi máy chủ của hệ thống bị tin tặc tấn công. Rất nhiều cuộc điện thoại giận dữ từ khách hàng được chuyển đến và cô phải bồi thường cho những tổn thất đó. Chỉ sau một đêm, mọi thứ đã về điểm xuất phát. Vốn là người cá tính và không dễ khuất phục, cô tự nhủ với bản thân “ngã ở đâu, đứng lên ở đó”.  Năm 2009,  Vy quyết định tham gia chương trình trao đổi học sinh tại Mỹ để trau dồi thêm những kiến thức cho mình. Sau khi tốt nghiệp ĐH Georgetown, Vy quay trở về Việt Nam để thực hiện tiếp giấc mơ khởi nghiệp của mình.

Khởi nghiệp… cuộc chơi để giành chiến thắng

Về Việt Nam sau khoảng thời gian du học ở Mỹ, Lê Hoàng Uyên Vy sáng lập nên chuỗi nhà hàng thức ăn đường phố có tên Aiya! Thế giới ăn vặt. Mặc cho quyết định này không nhận được sự tán đồng của người thân, hay ngay bản thân cô cũng tự nhận thấy là khá mạo hiểm nhưng cơ hội thì không chờ ai cả, ý tưởng hay cũng chẳng mãi chờ mình. Khó khăn lớn nhất với Vy khi đó là quản lý nhân sự, thêm nữa là mô hình kinh doanh của Vy nhỏ khiến gặp nhiều bất lợi khi xây dựng các chế độ đãi ngộ để cạnh tranh với các nhà hàng lớn. Sau hai năm mọi thứ đi vào ổn định và Vy đã mở rộng ra được thêm bốn địa điểm nữa.

Ý thức được thương mại điện tử là một trong những công cụ hiệu quả nhất để cải thiện chất lượng cuộc sống. Năm 2010, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) triển khai dự án thương mại điện tử, lĩnh vực yêu thích của Vy. Cô gia nhập dự án này và đặt tên công ty là Chọn (chon.vn). Từ đây, Lê Hoàng Uyên Vy bắt đầu xây dựng một website để kết nối những thương hiệu thời trang nổi tiếng ở Việt Nam với những người yêu thời trang. Website mà cô và cộng sự tự hào khi mình đã tạo nên sự khác biệt so với những chợ điện tử khác. Sau gần năm năm, trang web thương mại điện tử của Vy trở thành một trong những địa điểm quen thuộc mua sắm về thời trang trực tuyến.

Vy giống mẫu người luôn đặt ra cho mình những giấc mơ lớn nhỉ? “Có lẽ vậy, từ trải nghiệm của cá nhân, tôi nhận thấy đã ước mơ thì phải ước mơ thật lớn, thật rộng và phải nhìn thật xa. Tôi tin rằng những điều thần kỳ xảy ra trên thế giới đều khởi nguồn từ những giấc mơ!” - Vy chia sẻ.

Năm 2014 đánh dấu cho thành công lớn của Chọn (chon.vn) khi được VinGroup rót vốn đầu tư. Nhớ lại bước ngoặt này, Vy chia sẻ: Trước đây mình là nhà nghèo, bây giờ mình là nhà có điều kiện.  Cũng theo tạp chí Forbes, tỉ lệ tăng trưởng doanh thu kép của dự án này (chon.vn)  trong ba năm gần đây đạt mức 600%. Có thể thấy cú hích đến từ VinGroup phần nào giúp Chọn có điều kiện đối đầu với gã khổng lồ Zalora đã đặt chân vào Việt Nam từ năm 2012. 

Bài 5: CEO Lê Hoàng Uyên Vy: Đã ước mơ thì phải ước mơ thật lớn ảnh 2

Lê Hoàng Uyên Vy: Cha mình rất thích Steve Job, cha cũng chính là người đầu tiên kể cho mình nghe về Steve Job. Có lẽ từ những câu chuyện ấy đã mang mình đến với kinh doanh lúc nào chẳng hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm