Như đã thông tin, mới đây anh Nguyễn Ca Rê - nhân viên điện lực đem 100 USD vào tiệm vàng Thảo Lực (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) để đổi lấy trên 2,2 triệu đồng.
Nhưng khi anh Rê vừa bước ra khỏi tiệm vàng thì bị lực lượng chức năng ập vào lập biên bản vi phạm, phạt đến 90 triệu đồng; đồng thời tịch thu toàn bộ số tiền VNĐ vừa được quy đổi tương đương từ USD.
"Không biết lấy đâu ra tiền nộp tiền học cho em gái"
Trường hợp của anh Rê gây sốc với nhiều người dân vốn quen mua USD trên thị trường chợ đen bấy lâu nay.
Chị Thu Hà, nhân viên văn phòng, khi đọc thông tin trên tá hỏa. Chị kể: "Em ruột tôi đi du học ở Nhật, cứ theo định kỳ lại phải mua yen Nhật rồi gửi cho nó. Nhưng từ trước tới nay gia đình tôi toàn mang tiền mặt ra các cửa hàng vàng bạc mua yen Nhật mà không hề hay biết đến quy định này.
“Tôi phải cảnh báo gia đình ngay mới được. Chứ để đến lúc bị lực lượng chức năng bắt quả tang mua bán ngoại tệ trái phép thì không biết phải lấy đâu ra tiền mà nộp học cho em gái chứ đừng nói gì đến chi phí nộp phạt nữa” - chị Hà lo lắng.
Tương tự, chị Hạnh Nhung, quận 9, cho biết: Thỉnh thoảng để dành được ít tiền, có khi thì mua chỉ vàng cũng có khi mua 100 USD làm của để dành.
Nhưng để mua được 100 USD ở các ngân hàng là điều không thể, bởi ngân hàng chỉ bán ngoại tệ cho người dân liên quan đến các mục đích: học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài. Vì vậy đương nhiên mục đích mua để tích góp chắc chắn không được chấp thuận.
“Không mua được ở ngân hàng thì buộc tôi phải đến mua ở các tiệm vàng chứ mua ở đâu” - chị Nhung nói vẻ chân thành.
Trong khi đó, anh Nguyễn Tân (Tân Bình, TP.HCM) nêu quan điểm: Với mức phạt hành chính đối với hành vi mua bán ngoại tệ trái phép lên đến cả trăm triệu đồng như vậy là quá cao. Thiết nghĩ với những người mang vài trăm triệu hay hàng tỉ đồng đến các cửa hàng vàng mua bán USD thì mới nên đưa vào “danh sách đen” - đối tượng gây áp lực tỉ giá, tạo bất ổn thị trường ngoại hối, qua đó xem xét bị tịch thu và phạt hành chính.
Còn với những người dân chỉ mua bán ngoại tệ kiểu nhỏ lẻ, theo mục đích tiết kiệm từng đồng từng hào, mà cũng chịu chung mức phạt với những người mua bán hàng chục, hàng trăm ngàn USD là quá vô lý và bất công.
Anh Nguyễn Tân thắc mắc: “Cũng có khi họ buộc phải bán USD vào giờ muộn khi mà các ngân hàng và điểm thu đổi ngoại tệ được cấp phép đã đóng cửa thì sao? Vậy sao cơ quan chức năng không tính toán đến việc cần thiết đưa ra những trường hợp này”.
Nhận biết nơi bán ngoại tệ chính thống Ngoài các ngân hàng thương mại, người dân có thể bán ngoại tệ tại đến các điểm thu đôi ngoại tệ. Bên ngoài những đại lý này phải gắn bảng tên, ví dụ “Đại lý thu đổi ngoại Tấn Vy, đại lý của Ngân hàng EximBank, ACB, Vietcombank…". Tại những đại lý này cũng buộc phải niêm yết tỉ giá, mức giá này do ngân hàng ủy nhiệm đưa về để niêm yết. |
Mua bán 1 USD bị xử giống như mua bán 10.000 USD
Trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, vị lãnh đạo này cho biết: Chỉ có các ngân hàng thương mại và những điểm thu đổi ngoại tệ được cấp phép thì mới được mua bán ngoại tệ. Đại lý thu đổi ngoại tệ chỉ được cấp cho khách sạn 3 sao trở lên, cảng hàng không quốc tế, vùng hải cảng.
Ngoài ra, các đại lý này còn có ở các khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có nhiều khách nước ngoài. Các trung tâm thương mại, siêu thị ở khu vực trung tâm TP như Parkson, Vincom, Takashimaya…
Tuy nhiên, những đại lý thu đổi ngoại tệ chỉ được dùng đồng Việt Nam mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân và không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy đồng Việt Nam.
Nói cách khác, theo quy định, người dân được phép bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại hoặc các điểm thu đổi ngoại tệ mà được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Riêng mua ngoại tệ phục vụ cho các mục đích như học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài thì người dân chỉ được phép mua tại các ngân hàng. Và các tiệm vàng không được phép thu đổi ngoại tệ.
“Nghị định 96/2014 quy định nếu người dân đổi ngoại tệ tại tiệm vàng không được cấp phép sẽ bị xử phạt tiền, đồng thời bị tịch thu số ngoại tệ đó. Quy định này áp dụng cho cả bên bán lẫn bên mua” - ông Minh nhấn mạnh.
Ông Minh cũng cho rằng mức phạt cao như vậy là nhằm răn đe hành vi mua bán trái phép ngoại tệ. Do đó, bất kể mua bán ngoại tệ với số tiền lớn nhỏ bao nhiêu không cần biết, miễn là thực hiện hành vi mua bán ngoại tệ tại những nơi không được cấp phép thì đã vi phạm quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Các ngân hàng chỉ bán ngoại tệ cho người dân liên quan đến các mục đích: học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch... Ảnh: TL
Mức phạt phải tương xứng với mức độ vi phạm Trao đổi về vấn đề mức phạt hành chính lên đến 80-100 triệu đồng đối với bất kỳ ai có hành vi mua bán ngoại tệ trái phép, dù chỉ vài USD, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Nghị định 96/2014 được bổ sung sửa đổi từ Nghị định 2002, đó là gia tăng hình thức xử phạt đối với người mua bán vàng và ngoại tệ trái phép. “Kể từ khi Nghị định 96 có hiệu lực đã thiết lập được trật tự kỷ cương trên thị trường vàng với thị trường ngoại hối. Cũng nhờ nghị định này mà sức ép về tỉ giá trên thị trường tự do cũng đã giảm mạnh” - ông Minh nhận định. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quy định như trên là bất hợp lý vì không định lượng giá trị ngoại tệ vi phạm để phạt. Nghĩa là không thể phạt người đem bán 1 USD, 10 USD… như trường bán 1 triệu USD, 1 tỉ USD. Mặt khác, Nghị định 96 gom tất cả đối tượng mua, bán vào cùng một rọ... Do đó cần phải xem xét lại Nghị định 96/2014 đã phù hợp với thực tiễn hay chưa. Ví dụ về mức phạt cần phải phân nhóm khác nhau tùy thuộc vào mức độ, thái độ, bối cảnh thị trường… để cơ quan quản lý quy định mức phạt cho phù hợp.
Mất cả chì lẫn chài Trường hợp anh Rê không phải là lần đầu tiên một khách hàng mất cả “chì lẫn chài” khi đổi ngoại tệ tại những điểm giao dịch bất hợp. Trước đây, cũng tại TP.HCM, ở một phòng giao dịch của ngân hàng, đại diện một công ty đã mang 500.000 USD đến giao cho đại diện một công ty khác để nhận hơn 10,6 tỉ đồng. Cơ quan có thẩm quyền đã tịch thu hai khoản tiền này và còn phạt mỗi người 75 triệu đồng. Tại Thừa Thiên-Huế, chủ tịch UBND tỉnh từng ra quyết định xử phạt hành chính đối với một cá nhân và một chủ tiệm vàng ở TP Huế về việc đổi 10.000 USD để nhận 209 triệu đồng. Ngoài việc tịch thu hai khoản tiền này, chủ tịch tỉnh còn phạt mỗi người 80 triệu đồng. |