Ngày 20-7, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, đưa ra thông tin trên trong buổi làm việc với UBND huyện Cần Giờ về công tác phối hợp quản lý ATTP trên địa bàn huyện.
Theo bà Lan, thời gian qua từng xảy ra trường hợp tử vong do ăn so biển trên địa bàn huyện Cần Giờ. “Hiện du khách đến huyện Cần Giờ khá nhiều. Do vậy cơ quan chức năng giám sát và yêu cầu các nhà hàng, quán ăn không được bán so biển. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn người dân và du khách cách nhận biết so biển để không sử dụng” – bà Lan nói.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Ban Quản lý ATTP TP.HCM và UBND huyện Cần Giờ. Ảnh: TRẦN NGỌC
Bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết huyện đã ban hành kế hoạch tập huấn phòng, chống ngộ độc so biển trên địa bàn. “Bên cạnh đó, huyện cũng tập huấn công tác chẩn đoán, xử lý, sơ cấp cấp, điều trị chuyển viện khi có trường hợp bị ngộ độc xảy ra” – bà Cẩm cho biết thêm.
Theo ông Huỳnh Tiến Long, Phó Trưởng phòng Thông tin-Giáo dục-Truyền thông Ban Quản lý ATTP TP.HCM, so biển dài từ 20 cm đến 25 cm (không tính đuôi). Toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng. Tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn.
Ông Long cho biết thêm khi bị ngộ độc so biển sẽ có các triệu chứng như cảm giác tê môi, đầu lưỡi. Bên cạnh đó còn bị đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đàm nhớt. “Chưa hết, bị ngộ độc so biển còn có biểu hiện nôn ói, tuột huyết áp, co giật, liệt hô hấp, hôn mê” – ông Long lưu ý.
“Khi bị ngộ độc so biển thì nhanh chóng uống nước gây nôn đối với người từ hai tuổi trở lên, còn tỉnh táo, mới ăn trong vòng một giờ. Sau đó gọi ngay cho cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa người ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất” – ông Long khuyến cáo.