Bạn đọc xót xa vì công nhân “bỏ phố về quê” do thất nghiệp

(PLO)- Bạn đọc cảm thông trước tình cảnh nhiều lao động phải tìm kiếm cơ hội mới ở quê nhà do thất nghiệp và khó trụ lại thành phố.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Chưa Tết, nhiều công nhân trả phòng về quê sớm” về nội dung do khó tìm việc làm, chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến nhiều người tìm cách trả phòng về quê ăn Tết sớm.

Bình luận về bài viết, nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng cảm trước khó khăn của nhiều công nhân tại TP.HCM. Một số bạn đọc hy vọng tình hình kinh tế được cải thiện để người lao động ổn định công việc, lo toan cuộc sống.

Về quê tìm cơ hội lập nghiệp

Bạn đọc Nhật Thi chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi từng rơi vào tình cảnh thất nghiệp suốt nhiều tháng trời trong khi chi phí thuê nhà, tiền điện nước, ăn uống vẫn phải trả. Sức cùng lực kiệt nên đành bỏ phố về quê. Sau nửa năm về quê, tôi nhận ra đây là quyết định sáng suốt. Tôi tìm được công việc gần nhà nên thuận tiện chăm sóc cha mẹ và hai con. Ngoài ra, chúng tôi cũng dành dụm được một khoản nhỏ vì tiết kiệm nhiều khoản phí so với khi còn trên thành phố”.

Đồng cảnh ngộ, bạn đọc Mỹ Ánh cho biết: “Sau nhiều năm làm việc tại TP.HCM, tôi quyết định trả trọ về ăn Tết sớm. Tôi nhận ra ở quê không thiếu thứ gì. Có trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi, đường sá thuận tiện,… Tuy rằng không sầm uất, hoành tráng như trên thành phố nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân. Theo tôi, nếu cầm cự không nổi nữa thì về quê tìm công việc mới. Dù rằng lương tháng không cao nhưng đỡ áp lực hơn nhiều”.

“Tôi biết không ít bạn trẻ bỏ công việc ổn định để về quê khởi nghiệp. Họ quảng bá và bán nông sản địa phương trên các sàn thương mại điện tử. Vừa nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều người vừa góp phần phát triển quê hương của mình. Thật đáng ngưỡng mộ!” - bạn đọc Minh Nguyễn viết.

Bạn đọc xót xa vì công nhân “bỏ phố về quê” do thất nghiệp
Nhiều lao động tìm kiếm cơ hội thông qua các sàn giao dịch việc làm, trong khi số khác lại lựa chọn về quê lập nghiệp. Ảnh: VÕ THƠ

Cần suy nghĩ kỹ trước khi “bỏ phố về quê”

Bạn đọc Trần Văn Thành bình luận: “Theo tôi, đây chỉ là một xu hướng tạm thời. TP.HCM vẫn còn nhiều cơ hội, đợi qua giai đoạn khó khăn này, kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp tuyển mới lao động thì họ sẽ quay trở lại thôi”.

“Bây giờ, nhiều công nhân thất nghiệp, không trụ được ở thành phố thì hồi hương là một phương án tốt. Tuy nhiên, cần suy xét thật kỹ, có kế hoạch rõ ràng như bỏ vốn để buôn bán, học nghề, tìm kiếm việc làm ở các cửa hàng, nhà máy, xí nghiệp,… Chứ quyết định vội vã, không có sự chuẩn bị thì rất dễ nản chí mà quay trở lại thành phố” – bạn đọc Lê Ngọc viết.

Bạn đọc Sơn Đỗ cho rằng: “Việc người lao động quay về quê cũng là một tín hiệu tích cực. Điều này giúp giảm gánh nặng dân cư, hạ tầng đô thị lên thành phố. Vả lại, ở đâu đông dân cư thì các tiện ích, hạ tầng sẽ dựa vào đó mà phát triển. Nhờ đó, có thể phát triển dàn đều ở các đô thị chứ không chỉ tập trung ở các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội”.

Tương tự, bạn đọc Hồng Ân chia sẻ: “Ở đâu cũng vậy thôi, thành phố thì có lợi thế của thành phố, quê thì có lợi thế của quê. Điều quan trọng là người lao động tận dụng lợi thế đó như thế nào. Theo tôi, chỉ cần siêng năng, chịu khó làm việc, nâng cao năng lực bản thân thì chắc chắn có công việc ổn định, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm