Nghệ sĩ làm từ thiện: Quyền công dân, xin đừng đong đếm!

Những ngày qua khi khúc ruột miền Trung oằn mình trong bão lũ thì nhiều tấm lòng nhân ái chung tay kêu gọi ủng hộ người dân vùng bão. Nhiều sao Việt cũng đứng ra kêu gọi quyên góp cho đồng bào.

Điển hình là ca sĩ Thủy Tiên, Thu Trang – Tiến Luật, Trường Giang – Nhã Phương, Trương Thế Vinh, Trấn Thành… cũng bỏ nhiều tâm sức cho người dân miền Trung. Còn rất nhiều nghệ sĩ đang hướng về đồng bào miền Trung mà chúng tôi không thể kể tên hết ra đây.

Các nghệ sĩ Trường Giang, Nhã Phương, Thu Trang, Tiến Luật, Diễm My 9x, Trương Thế Vinh… đang cùng báo Pháp Luật TP.HCM hướng về người dân miền Trung.

Nghệ sĩ làm từ thiện đã không còn quá xa lạ. Phải thừa nhận rằng qua danh tiếng cá nhân, những nghệ sĩ thường kêu gọi được số tiền đóng góp khá khủng.

Đó cũng có thể là lý do để nhiều người mặc định nghệ sĩ là người “lắm tiền nhiều của” hay đã làm từ thiện phải làm cho đáng, số tiền phải lên đến chín, mười con số, hoặc hơn. 

Chuyện từ thiện của nghệ sĩ bỗng dưng trở thành “thước đo lòng người” trong cách phán xét của không ít người. Mấy ngày qua mạng xã hội xuất hiện những phép tính so sánh quanh chuyện nghệ sĩ làm ít, làm nhiều.

Khi Thủy Tiên quyên góp được 40 tỉ trong hai ngày và nay là hơn 100 tỉ, cộng đồng mạng lại ngay lập tức gọi tên Trấn Thành, Trường Giang… và nhiều nghệ sĩ khác rằng họ đang ở đâu? Sao không cũng hộ đồng bào lũ lụt? Trong khi có khi những người này họ đã âm thầm góp sức ở đâu đó. 

“30 tỉ đồng sao chỉ phát 1 thùng mì”, “tại sao nổi tiếng mà không làm từ thiện", “làm từ thiện livestream rầm rộ để PR”... Hàng loạt bình luận soi mói về chuyện làm từ thiện của các nghệ sĩ như Trấn Thành, Thủy Tiên...

Đến lượt hoa hậu H’Hen Niê góp hỗ trợ 50 triệu cũng bị chê là keo kiệt “hoa hậu nổi tiếng mà chỉ có nhiêu đó”...

Thậm chí có nhiều người còn soi cả cách ăn mặc, cách cười nói của các nghệ sĩ khi phát quà cho bà con. 

Từ bao giờ, chuyện từ thiện lại trở thành thước đo để so lòng người vậy? Bỗng dưng từ thiện trở thành một việc làm áp lực, đầy rẫy thị phi mà không còn còn vẹn nguyên là chuyện từ tâm hay niềm hạnh phúc của người khác.

Đằng sau sự nổi tiếng, hào quàng là những giọt mồ hôi pha cả nước mắt mà họ hiếm khi chia sẻ cho công chúng.

Nghệ sĩ cũng là người đặc biệt có tâm hồn nhạy cảm. Những bình luận ác ý vì chuyện làm từ thiện như một vết dao cứa sâu vào lòng tốt vốn có của họ. Có vợ chồng nghệ sĩ góp hỗ trợ đồng bào miền Trung 300 triệu nhưng họ đã phải giấu tên vì lo ngại những soi mói không đáng có này.  

Trong cơn thịnh nộ của bão lũ, trong cơn khốn khó của đồng bào ngoài kia và bao người đang tìm cách cách góp sức hỗ trợ, tại sao chúng ta còn ngồi đó xét nét, xoi mói đáy lòng của nhau?

Chuyện làm từ thiện ít hay nhiều thì tùy theo khả năng của người đóng góp, thậm chí chỉ một dòng trạng thái cảm xúc động viên người hoạn nạn, cũng đáng trân trọng.

Làm từ thiện, giúp đỡ người khó khăn không phải là trách nhiệm của riêng một ai, không phải là trách nhiệm chính của giới nghệ sĩ. Càng không phải vì cái danh nghệ sĩ mà bắt họ phải quyên góp số tiền khủng ngoài khả năng.

Chuyện làm từ thiện gặp tranh cãi là vấn đề muôn thuở. Người trong giới showbiz thì càng không tránh khỏi vì sự nổi tiếng, sức ảnh hưởng của họ. Tuy nhiên, chúng ta có nên đong đếm thiện ý của con người qua con số mà họ đóng góp?

Dù là nghệ sĩ hay bất kỳ ai thì tất cả những người đang góp sức hỗ trợ đồng bào miền Trung cũng chỉ là những người lao động. Ai cũng sẽ có những lúc khó khăn, những khi dư giả. Trong câu chuyện từ thiện, họ có quyền làm điều họ muốn hay không muốn, muốn góp bao nhiêu, muốn làm như thế nào...Đó là quyền con người mà không cá nhân nào được phép xâm phạm. Ở chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Điều 16 Hiến pháp đã nêu rõ: "Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm