Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM vừa có thông báo: Bắt đầu từ quý II-2021, cơ quan này sẽ ngừng hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại 34 trạm y tế phường, xã. Nguyên do là các cơ sở này không đủ điều kiện KCB theo quy định.
Các trạm y tế mà BHXH TP.HCM ngưng ký hợp đồng đa phần là những trạm có vị trí nằm ở nội thành.
Trạm y tế phường 2, quận Phú Nhuận là một trong 34 trạm y tế trên địa bàn TP.HCM mà BHXH TP.HCM ngưng ký hợp đồng khám chữa bệnh ban đầu BHYT. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Trạm chưa đáp ứng điều kiện khám bệnh
Lý giải rõ hơn vì sao BHXH TP.HCM ngưng ký hợp đồng KCB ban đầu tại 34 trạm y tế trên, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH
TP.HCM, cho biết: “Thời gian qua, cơ quan BHXH TP.HCM đã cử các giám định viên y tế rà soát việc KCB BHYT tại các trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP.HCM.
Trong quá trình rà soát, chúng tôi nhận thấy nhiều trạm y tế phường, xã không đủ điều kiện để thực hiện việc KCB như giấy phép hoạt động do bác sĩ đứng tên đã về hưu hoặc đã luân chuyển…
Vì vậy, BHXH đã đề nghị ngưng hợp đồng KCB với 34 trạm y tế phường, xã không đủ điều kiện KCB BHYT này”.
Bà Hằng hướng dẫn: Trong thời gian tạm ngưng hợp đồng, người dân có thẻ BHYT tại các trạm này có thể đi KCB thông tuyến.
Cụ thể, theo Luật BHYT thì từ năm 2015 đã thực hiện khám thông tuyến huyện. Vì vậy, người dân có thẻ BHYT ở trạm y tế, các bệnh viện tuyến huyện có thể đi khám ở các bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa trên cả nước mà vẫn được xem là đúng tuyến.
“Ngoài ra, từ đầu năm 2021 BHYT có thông tuyến tỉnh nội trú. Trong quá trình sử dụng thẻ BHYT nếu người dân có nhu cầu đổi thẻ thì chúng tôi sẽ thực hiện đổi ngay.
Điều kiện để BHXH ký hợp đồng KCB ban đầu với các trạm thì phải có giấy phép hoạt động; có người chịu trách nhiệm về chuyên môn; có danh mục kỹ thuật; có các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề.
Sau khi các trạm y tế đáp ứng đủ điều kiện trên thì BHXH sẽ tiếp tục ký hợp đồng KCB. Trong một thời gian ngắn nữa thôi thì các trạm y tế sẽ hoàn thiện các yêu cầu trên” - bà Hằng cho hay.
Nhiều năm không có bác sĩ khám, chữa bệnh Trước đây, trạm y tế cũng có người dân đến khám bệnh. Tuy nhiên, từ tháng 10-2017, do bác sĩ chính ở đây về hưu và chưa có ai thay thế nên việc KCB BHYT ngưng cho đến nay. Ngoài ra, trước đây trạm y tế lấy thuốc từ bệnh viện quận để cấp, phát thuốc cho bệnh nhân. Thế nhưng do quy định hiện nay việc cung cấp thuốc phải thông qua đấu thầu nên trạm cũng không có thuốc để phát, điều trị cho người bệnh. Theo tôi, nếu trạm y tế được bố trí bác sĩ chính, được cung cấp thuốc thì sẽ phục vụ tốt cho người dân. Bởi khi người dân đến KCB ở trạm y tế cũng được các bác sĩ có đủ trình độ chuyên môn khám, thuốc thì cũng giống như ở các bệnh viện quận, huyện. Ngoài ra, khám ở trạm y tế, người dân không phải chờ làm thủ tục nhiều và do ít người nên có nhiều thời gian để bác sĩ tư vấn kỹ hơn. Bà TRẦN THỊ PHƯƠNG THẢO, Phó Trưởng |
Các giải pháp thu hút bệnh nhân đến trạm y tế
Đánh giá về hoạt động KCB BHYT ban đầu tại các trạm y tế, bà Hằng cho biết: Trên địa bàn TP có hơn 300 trạm y tế. Hiện nay, ở các trạm vùng ven hoạt động khá hiệu quả, đáp ứng nhu cầu KCB cho người dân. Đối với một số trạm nội thành, do mạng lưới y tế dày đặc nên cũng phải mất một thời gian vận động người dân đến khám.
“Hiện nay, Sở Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp để khuyến khích người dân đến KCB tại các trạm y tế nhằm giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Một trong những giải pháp được đưa ra là lập phòng khám vệ tinh tại các trạm.
Theo đó, các bệnh viện quận, huyện sẽ phối hợp với trạm y tế để đưa máy móc, thiết bị và điều động các bác sĩ đến trạm y tế KCB. Như thế, những người dân ở xa bệnh viện có thể đến trạm khám và chất lượng cũng giống như khám ở bệnh viện.
Một giải pháp nữa là các bệnh viện phân công luân phiên bác sĩ đến khám ở trạm y tế. Các bệnh nhân đến trạm y tế để tái khám vừa nhanh vừa thuận tiện” - bà Hằng thông tin.