Những ngày qua, cộng đồng mạng lại được một phen xáo xào bàn tán chuyện đúng sai về chuẩn mực nơi công cộng và hành vi phát tán clip nóng ghi lại cảnh ân ái của một nữ lễ tân spa tên P. (ngụ Đống Đa, Hà Nội) với bạn trai tại cầu thang một tòa nhà. Dĩ nhiên, những cá nhân phát tán đoạn clip trên cùng thông tin cá nhân, hình ảnh của chị P. đã xâm phạm bí mật đời tư của người khác và có dấu hiệu của hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Tuy nhiên, nhìn từ phía các nạn nhân trong vụ việc này, họ cũng đã có một phần lỗi.
Tôi không biết từ bao giờ những sinh hoạt rất riêng tư của đôi lứa yêu nhau lại được các cặp đôi, đặc biệt là giới trẻ phô diễn nơi công cộng.
Chuyện "yêu" nơi công cộng bắt đầu từ chuyện cặp đôi mây mưa tại rạp chiếu phim CGV trước đây đến vụ việc một cặp đôi ngang nhiên quan hệ tình dục trong quán trà sữa tại Thái Nguyên, rồi cặp đôi “yêu” giữa biển Cát Bà… khiến chúng ta đều phải giật mình. Vậy, vì sao giới trẻ lại công khai quan hệ tình dục nơi công cộng? Vì bản năng? Vì không có tiền để đi nhà nghỉ, những nơi riêng tư hơn? Hay giá trị đạo đức đang bị bỏ quên?
Năm 2018, đoạn clip ghi nhận hình ảnh một cặp đôi "mây mưa" trong quán trà sữa tại Thái Nguyên đã gây nên những bức xúc lớn trong cộng đồng. Ảnh cắt từ clip.
Thể hiện tình cảm khi yêu là hoàn toàn bình thường nhưng vấn đề ở đây là cách thể hiện tình cảm đó trong từng không gian khác nhau, nên dừng ở mức độ nào, nên thể hiện như thế nào cho phù hợp. Tôi tiếc cho những cặp đôi trong các vụ việc trên, khi những hình ảnh rất thầm kín của họ bị lan truyền trái phép trên các trang mạng xã hội, hơn thế họ và cả gia đình của họ phải đón nhận các phán xét, chỉ trích rất nặng nề. Liệu tình yêu của các cặp đôi này có bền vững trước búa rìu của dư luận? Xét ở góc độ nào thì việc thả cửa chuyện ái ân nơi công cộng cũng là đáng trách hơn đáng thương.
Việc quan hệ tình dục nơi công cộng là hành vi không phù hợp văn hóa và thuần phong mỹ tục. Song ở góc độ pháp lý, rất khó để xử phạt các căp đôi “yêu” nơi công cộng. Trước đây Nghị định 73/2010 xử phạt vi phạm quy định về nếp sống văn minh. Các hành vi như không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan Nhà nước có thể bị phạt hành chính 60.000- 100.000 đồng. Nhưng từ năm 2013, hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh nói trên đã bị loại ra ngoài sự điều chỉnh của pháp luật. Cho đến nay, nước ta vẫn chưa có quy định xử phạt đối với hành vi “yêu” nơi công cộng.
Trong những vụ việc phát tán clip nóng của các cặp đôi có hành vi phản cảm nơi công cộng, pháp luật và cơ quan chức năng luôn bảo vệ quyền bị xâm phạm của những cá nhân trên. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng góc độ khác, chúng ta lại thiếu cơ chế để bảo vệ những giá trị văn hóa, đạo đức đang bị xâm hại bởi chính những cá nhân đang được bảo vệ.
Chính vì thiếu hành lang pháp lý để xử lý, ngăn cấm những hành vi này cũng là một nguyên nhân dẫn đến liên tiếp các vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Tôi rất hy vọng những cặp đôi đang yêu sẽ có cử chỉ yêu thương đẹp đẽ, tôn trọng các giá trị văn hóa cộng đồng.
Đồng thời, rất mong các nhà làm luật và bộ ngành chức năng nên nghiên cứu đưa ra những quy định xử phạt hành vi “yêu” nơi công cộng để tạo tính răn đe, giáo dục.