Chiều 14-8, gia đình cố GS.TS Trần Văn Khê đã bàn giao cho cơ quan chủ quản trực thuộc Sở Văn hóa- Thể thao TP HCM căn nhà mà GS đã có 9 năm gắn bó cho Trung tâm bảo tồn di tích TP HCM. Còn thư viện và các tài liệu mà GS để lại sẽ do Bảo tàng Thành phố tiếp nhận. Sau khi tiếp nhận căn nhà và những tư liệu về âm nhạc dân tộc mà GS để lại, các cơ quan chức năng sẽ có đề án xây dựng nhà lưu niệm để tưởng nhớ đến những đóng góp của GS cho nền âm nhạc của nước nhà.
Căn nhà ở số 32 Huỳnh Đình Hai, P. 24, Q. Bình Thạnh mà GS Trần Văn Khê đã cư ngụ trước lúc qua đời. Ảnh: Thanh Tuyền
Theo quyết định số 41 được ký ngày 6-1-2005 của bà Trương Ngọc Thủy- lúc đó là giám đốc Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở VH-TT TP HCM) và GS. TS Trần Văn Khê, căn nhà này sẽ là nơi lưu trú của GS cho đến lúc lìa đời và sau đó được xây dựng thành nhà lưu niệm mang tên ông.
Trong bản di nguyện lập ngày 5-6-2015, GS Trần Văn Khê đã bày tỏ một trong những mong muốn của mình: “Khi tôi vĩnh viễn ra đi, ngôi nhà này sẽ được sử dụng để làm nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Tất cả hiện vật gắn với đời sống nghề nghiệp của tôi đem từ Pháp về: sách vở, báo chí, phim ảnh, sổ ghi chép, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh đều giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm giữ để phục vụ cộng đồng”.
Căn phòng làm việc của GS lúc còn sống. Ảnh: Thanh Tuyền
Có mặt tại nhà của GS, bà Nguyễn Thế Thanh- PGĐ Sở Văn hóa- Thể Thao TP HCM chia sẻ: “200 cuốn du kí của GS Trần Văn Khê sẽ thuộc về Nhà nước, được Sở Văn hóa quản lí và sẽ trưng bày cộng đồng. Sổ ghi chép hằng ngày của GS không chỉ đơn thuần là những dòng nhật kí ngắn ngủi, thời gian, địa điểm, đó còn là những hình ảnh, những tư liệu trong các buổi giao lưu, gặp gỡ. Đó là một cuộc hành trình rất đặc biệt, hành trình đó sẽ được lưu giữ và sẽ là hiện vật trưng bày có giá trị. 200 cuốn du kí đó đang được số hóa, và đang được tiếp tục được thực hiện để đến gần hơn với bất cứ ai có tình yêu với âm nhạc dân tộc và với những người yêu quý giáo sư”