Băn khoăn về đề nghị truy tố LS Trần Vũ Hải

Như Pháp Luật TP.HCM  phản ánh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa vừa có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị VKSND cùng cấp truy tố bốn bị can, trong đó có vợ chồng luật sư (LS) Trần Vũ Hải, về tội trốn thuế (theo khoản 1 Điều 161 BLHS năm 1999).

Sau khi báo đăng, nhiều chuyên gia, LS nêu những băn khoăn trước việc đề nghị truy tố này. Đa số đều đồng tình việc trốn thuế là sai, song hành vi trốn thuế ấy có đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa là điều rất đáng bàn, nhất là từ trước đến nay gần như chưa có tiền lệ xử hình sự tội này trong lĩnh vực mua bán, chuyển nhượng nhà, đất.

Để rộng đường dư luận, Pháp Luật TP.HCM đăng tải các ý kiến này.

Luật sư VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM:

Truy cứu hình sự chưa chặt chẽ

Luật sư VŨ PHI LONG

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bốn bị can trong vụ án này chưa thật sự chặt chẽ bởi một số lý do sau: Thứ nhất, mục đích và động cơ (hành vi hạ thấp số tiền giao dịch) của bốn bị can trong vụ án này không đồng nhất với nhau. CQĐT chưa chứng minh được vợ chồng LS Trần Vũ Hải là đồng phạm “giúp sức” cho người bán.

Thứ hai, hành vi hạ thấp “giá trị tài sản” để trốn thuế chỉ đúng trong những trường hợp khác, ví dụ mua bán hàng hóa-dịch vụ... đã có sẵn biểu giá để đối chiếu (như máy tính, điện thoại, xe cộ…). Riêng lĩnh vực mua bán bất động sản như trong vụ án này, Nhà nước đã tính đến việc nếu các bên mua bán cố tình hạ thấp giá trị tài sản giao dịch quá mức nhằm trốn thuế thì đã có bảng giá tối thiểu về nhà, đất do Nhà nước (UBND cấp tỉnh) ban hành để tính thuế mà hoàn toàn không lệ thuộc vào giá trị tài sản thực tế khi giao dịch.

Thứ ba, cần lưu ý trong giao dịch dân sự, khi các bên xảy ra tranh chấp trong quá trình mua bán thì giá trị tài sản giao dịch được ghi trên hợp đồng (có công chứng) mới là đối tượng được xem xét.

Luật sư Trần Vũ Hải và cảnh công an thu giữ tài liệu sau khi khám xét nơi làm việc của  luật sư Hải. Ảnh: PL 

LS NGUYỄN HOÀI NGHĨA, Đoàn LS TP.HCM:

Truy thu thuế theo giá UBND tỉnh quy định

LS NGUYỄN HOÀI NGHĨA

Việc CQĐT đề nghị truy tố vợ chồng LS Trần Vũ Hải cùng hai người bán về tội trốn thuế là chưa đủ căn cứ pháp lý vững chắc.

Thứ nhất, Điều 1 Thông tư liên tịch số 10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Tài chính (hướng dẫn về tội trốn thuế) như sau: “Người phạm tội trốn thuế là người thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Điều 108 Luật Quản lý thuế, đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu được quy định tại Điều 161 BLHS”.

Điều 108 Luật Quản lý thuế quy định về xử phạt đối với hành vi trốn thuế thì không có hành vi nào là “các bị can đã có hành vi bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất thực hiện hành vi ký và hủy hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, sử dụng hợp đồng không đúng với giá trị giao dịch thực tế để che giấu đi bản chất giá trị của giao dịch chuyển nhượng nhằm mục đích trốn thuế và gây thất thu cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 280 triệu đồng”, như kết luận điều tra của CQĐT Công an tỉnh Khánh Hòa.

Thứ hai, Điều 17 Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính quy định: “Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Cả hai hợp đồng gồm hợp đồng mua bán ban đầu giữa các bên là 12 tỉ đồng (đã được công chứng hủy bỏ) và hợp đồng chuyển nhượng trị giá 1,8 tỉ đồng đã được công chứng hợp pháp. Bởi theo Điều 5 Luật Công chứng thì hợp đồng công chứng được mặc định là hợp pháp, có giá trị chứng cứ, trừ trường hợp bị tòa án tuyên vô hiệu.

Theo khoản 4 Điều 21 Thông tư 92/2015 nói trên thì các giấy tờ phải nộp khi kê khai, nộp thuế là “... hợp đồng chuyển nhượng bất động sản...” và Điều 122 Luật Nhà ở quy định hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất phải được công chứng, chứng thực. Cho nên vợ chồng bị can Hải và bên bán chỉ có thể nộp hợp đồng công chứng mà không thể nộp các hợp đồng hay giấy tay nào khác.

Nếu cơ quan chức năng chứng minh được việc mua bán được ghi trên hợp đồng công chứng thấp hơn giá do UBND tỉnh đưa ra thì cơ quan chức năng có quyền truy thu thuế cho phù hợp với giá mà UBND tỉnh đưa ra, chứ không phải thu theo giá thực tế, càng không thể truy cứu hình sự họ về tội trốn thuế.

ThS TRẦN THANH THẢO, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM:

Cốt tử là phải chứng minh “tài liệu không hợp pháp”

ThS TRẦN THANH THẢO

Theo hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 10/2013 thì người phạm tội trốn thuế là người thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Điều 108 Luật Quản lý thuế, đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu được quy định tại Điều 161 BLHS năm 1999, trong đó có hành vi sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn.

Vì vậy, với vụ LS Trần Vũ Hải, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can về tội trốn thuế thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải chứng minh được hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà các bị can sử dụng (có công chứng) để kê khai thuế là “tài liệu không hợp pháp” và các bị can cố ý sử dụng nhằm “xác định sai số tiền thuế phải nộp”, từ đó xâm phạm đến chính sách thuế của Nhà nước. Trong trường hợp không chứng minh được hợp đồng nêu trên là tài liệu không hợp pháp thì không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can về tội trốn thuế.

LS KIM RON THA, Đoàn LS TP.HCM:

Chưa ai từng bị khởi tố như vụ này

LS KIM RON THA,

Thực tế tất cả giao dịch chuyển nhượng, mua bán bất động sản tại Việt Nam mà các bên tham gia giao dịch đều là cá nhân thì thường ghi giá trên hợp đồng thấp hơn giá thỏa thuận mua bán thực tế và chưa ai từng bị khởi tố về hành vi này.

Quy định trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản thì người phải nộp thuế (thuế thu nhập cá nhân) là bên bán, bên chuyển nhượng; còn bên mua, nhận chuyển nhượng (vợ chồng LS Trần Vũ Hải) chỉ nộp lệ phí trước bạ (trừ trường hợp có thỏa thuận khác). Như vậy, vợ chồng LS Trần Vũ Hải không phải là người nộp thuế theo quy định và không có vụ lợi gì trong việc ghi giá chuyển nhượng trong hợp đồng thấp hơn giá thực tế mua bán. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố, đề nghị truy tố vợ chồng LS Trần Vũ Hải về tội trốn thuế là chưa thuyết phục, trừ khi họ là đồng phạm về tội này với bên bán, chuyển nhượng nhà, đất.

Tuy nhiên, như các đồng nghiệp đã phân tích, ngay cả đối với bên bán, chuyển nhượng nhà, đất thì cơ quan tố tụng cũng khó chứng minh họ phạm tội này. Tất nhiên, vẫn có khả năng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã điều tra được những tình tiết khác trong việc xác định hành vi của các bên giao dịch có đủ yếu tố cấu thành tội trốn thuế.

LS Trần Vũ Hải là người giúp sức?

Theo kết luận điều tra, bốn bị can gồm Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (quốc tịch Việt Nam và Na Uy, chủ DNTN Hạnh Xuân tại TP Nha Trang); Ngô Văn Lắm là em cùng mẹ khác cha với bà Hạnh (37 tuổi, ngụ phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang); LS Trần Vũ Hải và vợ là Ngô Tuyết Phương (cùng ngụ Hà Nội).

CQĐT xác định: Tháng 6-2016, bà Hạnh gặp ông Hải tại TP Nha Trang để bàn bạc, thỏa thuận chuyển nhượng nhà, đất của bà Hạnh tại 78/40 Tuệ Tĩnh, TP Nha Trang (do ông Lắm đứng tên).

Hai bên thống nhất giá chuyển nhượng hơn 16 tỉ đồng. Tháng 8-2016, hai bên tiến hành giao dịch tại một văn phòng công chứng. Bà Hạnh chỉ đạo ông Lắm xác lập văn bản thỏa thuận với giá trị thực tế chuyển nhượng hơn 16 tỉ đồng, giá trị chuyển nhượng ghi trên hợp đồng công chứng là 1,8 tỉ đồng với mục đích kê khai trốn thuế thu nhập cá nhân cho bà Hạnh.

Kết luận giám định xác định số tiền thuế thu nhập cá nhân các bên đã trốn là hơn 280 triệu đồng.

cơ quan điều tra xác định vợ chồng LS Trần Vũ Hải là những người giúp sức trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất không đúng giá trị thực tế giao dịch, giúp bà Hạnh trốn thuế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm