Băn khoăn về thẩm quyền của ngân hàng tại dự thảo thông tư mới

(PLO)- Ngân hàng Nhà nước mới đây đã đưa ra lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2016 quy định hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có những phân tích về vấn đề này. PLO xin trích ý kiến góp ý của ông Lê Hồng Sơn về Thông tư 40/2016 và dự thảo sửa đổi.

Băn khoăn về thẩm quyền của NHNN

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 40/2016 đã đáp ứng một phần yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của NHNN đối với việc triển khai nghiệp vụ của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong cung ứng sản phẩm phái sinh trên cơ sở các hoạt động thí điểm của NHTM đã triển khai trước năm 2016.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tính hợp pháp, sự phù hợp của Thông tư 40 với các quy định pháp luật mới được ban hành, cần xác định lại thẩm quyền của NHNN, tính hợp pháp của các nội dung được quy định tại Thông tư 40 ngay tại thời điểm ban hành.

Tôi thấy rất băn khoăn khi Thông tư có nội dung về “sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa”, nhưng nội dung này có thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của NHNN hay không? Tại thời điểm Thông tư 40 được ban hành, tôi không thấy các quy định trong hệ thống pháp luật ngân hàng, luật các tổ chức tín dụng có quy định về khái niệm “sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa”; không có quy định nào của luật, của nghị định giao cho NHNN hướng dẫn về nội dung này.

Khoản 2 Điều 105 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 giao cho NHNN quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận việc kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh của NHTM; phạm vi sản phẩm phái sinh mà NHTM được làm gồm các sản phẩm phái sinh về tỉ giá, lãi suất, ngoại hối, tiền tệ và tài sản tài chính khác (Điểm b khoản 1 Điều 105).

Để duy trì sự ổn định, bền vững, giảm thiểu rủi ro cho hàng hóa Việt, nhà quản lý cần có các cơ chế chính sách phù hợp. Ảnh: MXV

Để duy trì sự ổn định, bền vững, giảm thiểu rủi ro cho hàng hóa Việt, nhà quản lý cần có các cơ chế chính sách phù hợp. Ảnh: MXV

Hệ thống văn bản pháp luật về NHNN, pháp luật về tổ chức tín dụng không ghi nhận khái niệm “tài sản tài chính khác”, “sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa”. Rõ ràng đây là một khoảng trống, một điểm mờ của hệ thống pháp luật hiện hành về vấn đề này.

Bên cạnh đó, Điều 3 Thông tư 40 đưa ra một số khái niệm như “hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa”, “hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa”, “giao dịch gốc”, “hàng hóa cơ sở”.v.v.. Đây cũng là những nội dung còn băn khoăn về sự phù hợp với thẩm quyền của NHNN khi xây dựng, đặt ra các quy định này.

Xem xét về các quy định của hệ thống pháp luật sau khi Thông tư 40 có hiệu lực thi hành (tính đến tháng 5-2023), hiện vẫn chưa có luật hay nghị định nào xác lập chính thức thẩm quyền quản lý nhà nước của NHNN đối với “sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa” và “tài sản tài chính khác”.

Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại,… có quy định rõ về các loại hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại (bao gồm hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn). Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng không có quy định cụ thể nào về các loại hợp đồng “hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa”, “hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa” và không có quy định nào giao cho NHNN hướng dẫn, làm rõ định nghĩa của các loại hợp đồng nêu trên.

Trường hợp Thông tư 40 và dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư này tiếp tục có các quy định về khái niệm hợp “hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa”, “hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa”… thì cần xem xét rất kỹ về thẩm quyền của NHNN và các cơ quan của Chính phủ có liên quan (như Bộ Công Thương) đối với vấn đề này.

Cần đánh giá lại một cách đầy đủ, toàn diện

Về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40, cơ quan soạn thảo chưa có những đánh giá, số liệu tổng hợp liên quan đến tính cấp thiết trong việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40. Đây là những số liệu hết sức cần thiết để quyết định chủ trương sửa đổi, bổ sung và những nội dung được đưa ra tại Dự thảo.

Một số vấn đề không chỉ đụng chạm đến một số luật gốc như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và kể cả Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; mà còn đụng chạm đến vấn đề thẩm quyền hướng dẫn thi hành của các Bộ có liên quan, không chỉ và không thể chỉ liên quan đến mỗi NHNN.

Chẳng hạn như nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Thông tư 40 tiếp tục theo hướng đưa ra một số khái niệm như “giao dịch gốc là hợp đồng…”, “hàng hóa cơ sở là hàng hóa…”, “cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa”…

Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 40 không đơn thuần là tiếp tục khẳng định toàn bộ các nội dung của Thông tư này, mà cần nhận định, đánh giá lại một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan về: Tính hợp pháp của văn bản; các nội dung của Thông tư đã đảm bảo đúng thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản hay chưa? Tính hợp lý của Thông tư 40 trong quá trình thực thi và trên cơ sở tổng kết việc thi hành …

Trong bản thuyết minh, NHNN cho biết, sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa là công cụ tài chính được NHTM cung ứng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho khách hàng. Thông tư 40 nhằm tạo hành lang pháp lý, đảm bảo an toàn, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa; Đồng thời góp phần cung cấp công cụ cho khách hàng nhằm hạn chế rủi ro phát sinh do sự biến động giá cả hàng hóa.

Thời gian qua, NHNN đã nhận được một số ý kiến của các tổ chức tín dụng phản ánh về các khó khăn vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2016.

NHNN cho rằng cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình hiện nay để tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện quy định cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của NHTM.

Dự thảo Thông tư sửa đổi mở rộng danh mục hàng hóa cơ sở NHTM được cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa cho khách hàng gồm: Các loại hàng hóa, trừ hàng hóa cơ sở là vàng và các hàng hóa cấm kinh doanh và cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định hiện hành của pháp luật.

Theo dự thảo Thông tư, NHTM được phép nhận ký quỹ, ký quỹ bổ sung, thanh toán, báo giá và phí, định giá và phí, ghi giá và phí trong hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa bằng VND hoặc bằng ngoại tệ theo thỏa thuận giữa NHTM và khách hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm