Xế chiều, sau nhiều giờ chạy xe rã rời từ trung tâm huyện Đắk Glei vượt núi lên đến trung tâm thung lũng Mường Hoong, chúng tôi được một người dân từ TP Kon Tum vào Mường Hoong buôn bán cho ở nhờ. Khi nghe chúng tôi nói muốn lên làng Tu Chiêu - một ngôi làng nằm ngược trên đỉnh núi phía sau lưng UBND xã Mường Hoong, anh Hoàn - người chủ nhà tốt bụng - liền ngăn lại: “Không lên được đó đâu, muốn đi phải là người quen leo núi hoặc phải kèm theo thuốc dấu”.
Những người Xê Đăng cõng heo ngược núi lên làng - Ảnh: Thái Bá Dũng
Sống giữa lưng chừng núi
Nhiều thầy cô giáo và cán bộ người Kinh ở Mường Hoong nói rằng trước đây khi cán bộ người Kinh mới về Mường Hoong công tác hoặc thầy cô giáo được phân về các điểm trường, để có thể đủ sức leo núi lên các ngôi làng, nhiều người phải thủ một thứ bảo bối đặc biệt: củ đắng. Củ đắng là tên gọi của người địa phương ám chỉ củ sâm Ngọc Linh với công năng diệu kỳ, người leo núi khi kiệt sức chỉ cần một hạt nhỏ có thể nhanh chóng lấy lại sức lực, tăng sự bền bỉ. Lâu dần, những con đường dài vắt qua các dãy núi và dựng đứng cũng được các thầy cô giáo quen dần nên chuyện leo núi đã trở thành công việc đều đặn hằng tuần của các thầy cô giáo khi ngược núi lên các ngôi làng dạy chữ cho học sinh.
Từ trung tâm xã Mường Hoong, theo chân thầy giáo Minh - phụ trách ở điểm trường Tu Chiêu - thuộc Trường tiểu học Mường Hoong (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum), chúng tôi ngược lên cụm làng Tu Chiêu. Trong tổng số hàng chục ngôi làng thuộc xã Mường Hoong thì Tu Chiêu không phải là nơi heo hút nhất, nhưng điểm làng ở đây tập trung đông người Xê Đăng và đường sá phải xuyên qua các dãy núi dựng đứng. Thầy giáo Minh cho biết ngày đầu tiên được phân về dạy chữ cho học sinh trên đỉnh núi, khi được thầy giáo hỏi đường lên làng thì một người dân địa phương chỉ tay lên đỉnh mây mù và đáp: “Làng ở trên đó, cũng gần thôi”. Tuy nhiên, khi thầy giáo “bò” lên đến nơi thì mưa đã kín núi, mất tới mấy tiếng đồng hồ. “Giờ tụi mình quen rồi, nếu không có việc gì gấp gáp thì cứ đầu tuần cõng cơm gạo đi, cuối tuần lại xuống núi, mỗi lần đi như thế mất khoảng hai giờ leo núi” - thầy Minh nói.
Đường lên làng Tu Chiêu phải đi qua nhiều ngôi làng khác. Hầu hết những ngôi làng này khi chúng tôi đi qua người dân đều đứng lại nhìn với tất cả sự lạ lẫm. Thầy Minh cho biết dù sống trên đỉnh núi nhưng người dân các làng rất cảnh giác với người lạ nơi khác đến. Tại các ngôi làng này, người dân đều tập trung làm nhà theo hình vòng tròn lấy nhà rông làm trung tâm ở giữa. Điều khá đặc biệt ở những ngôi làng này là trước cổng ra vào người dân đều dựng các cây nêu lớn, thân cây được nướng cháy đen và đục chạm những hình thù kỳ quái để ngăn ma quỷ vào quấy phá người làng. Hai giờ lội rừng, khi thân thể chúng tôi rã rời, xương cốt như lìa mỗi nơi mỗi khúc thì thầy giáo Minh chạy lên một mô đá cao nhất và chỉ tay vào một mái nhà rông thông báo: “Đã tới Tu Chiêu”. Từ xa nhìn tới, Tu Chiêu hiện ra huyền bí dưới làn sương dày đặc. Dưới lưng chừng núi, mái nhà rông hiện lên dưới lớp mây mù như con vật khổng lồ đứng che chắn cho những mái nhà gỗ xung quanh. Cổng làng Tu Chiêu được người dân rào chắn cẩn thận, lối đi vào được bọc hai thân gỗ lớn, trên thân gỗ này những chiếc răng thú lớn được giắt và khoét sâu tạo thành những mặt người ám ảnh như những bóng ma quỷ đứng canh chừng ngôi làng.
Uống rượu như nước, nhai thuốc như cơm
Gần một tuần lang thang trên các ngôi làng trên đỉnh Ngọc Linh, một trong những điều khiến chúng tôi ấn tượng và đôi lúc ám ảnh nhất là rượu. Người Xê Đăng không chỉ xứng đáng là những người leo núi giỏi nhất mà còn là những người uống rượu vô địch thiên hạ: người dân nơi đây uống rượu không biết say, không tính chai, tính lít mà tính... theo ngày như cách nói của A Tiên - phó bí thư Đảng ủy xã Ngọc Linh, khi mời chúng tôi ở lại thưởng thức món rượu nấu từ lúa bọc thép: “Mình uống không biết say, không tính chai mà tính theo ... số ngày”.
Xế chiều, cơn mưa rừng bắt đầu kéo đến đổ lên những nóc nhà làng Lê Toan. A Bú - bí thư Đoàn thanh niên xã Ngọc Linh, người tình nguyện dẫn chúng tôi leo núi lên các ngôi làng - giục phải xuống núi gấp trước khi trời tối. Bỗng từ đâu trong túp lều gỗ, người đàn ông tuổi trung niên bước chân trái quẹo qua chân phải giọng lè nhè: “Về sớm thế, ở lại với làng uống rượu đã chứ”. Lấy lý do trời tối, mưa rừng trút xuống, A Bú bảo phải về gấp thì người này xua tay: “Ối, có mưa uống rượu nữa mới thích, nhà mình đang nấu rượu nếp, chẳng mấy khi lên đây cứ ngồi lại cho mình vui”. Không thể từ chối, chúng tôi đành phải ngồi lại để được người làng Lê Toan mời làm “thượng khách”. Trời mỗi lúc một sẩm tối, nhóm đàn ông làng Lê Toan lần lượt từ rừng trở về sau một ngày lên rẫy. Trong chốc lát, ngôi nhà của người đàn ông chật kín người. Chủ nhà A É lôi từ trong góc nhà ra một can rượu trắng 20 lít và khoe mới vừa cất ra khỏi lò, áp can rượu vào má vẫn còn nóng ran.
Uống! Đám đàn ông Lê Toan bắt đầu rót rượu ra bát và ngửa cổ nuốt ừng ực. Mồi nhắm chỉ là mấy quả dâu rừng (người địa phương gọi là vải dại) chấm với muối mặn chát. Rượu được rót liên tục, chỉ trong chốc lát người chúng tôi đã nóng bừng, ruột gan đảo lộn. A É nói rằng mỗi tuần sơ sơ làng Lê Toan uống phải hết ba bốn can rượu trắng. Người Xê Đăng uống rượu thay nước, uống mọi lúc mọi nơi. A É giọng bắt đầu lè nhè. “Mình uống rượu từ khi còn nhỏ, giờ không có rượu thấy buồn lắm, mà trong làng này ai cũng uống, con trai uống, con gái đàn bà cũng say. Lâu lâu mình nhờ người ta đi cuốc ruộng cho mình cũng phải mời người ta uống rượu chớ” - A É nói tiếp.
Sẩm tối, sau nhiều lần “xin tha” để về trung tâm xã, chúng tôi được độ nhậu tại làng Lê Toan thả và được hẳn một thanh niên thạo đường dẫn xuống núi. Đang loạng choạng, chuếnh choáng ở cái dốc dựng đứng dẫn ra khỏi làng thì bỗng ngay dưới bàn chân mình có hai cái đầu lù lù, hai cái đầu này ngước lên cười xòa: “Cán bộ về sớm thế, hôm nay con mình đi thi kể chuyện Bác Hồ được giải to, quay lên làng uống rượu với mình”.
Các thầy cô giáo tại Ngọc Linh nói rằng vào bất kỳ một ngôi làng Xê Đăng nào trên đỉnh Ngọc Linh cũng dễ thấy cảnh người dân bày hội để uống rượu. Rượu đối với người Xê Đăng là một thứ thức uống không thể thiếu hằng ngày như cơm ăn, áo mặc. Người Xê Đăng uống rượu từ nhỏ tới lớn. Không chỉ rượu mà còn trầu và thuốc. Lớn lên đàn bà đàn ông ai nấy răng đều đen xỉn vì lá thuốc. Khác với người Kinh, người Xê Đăng không đưa thuốc vào cơ thể bằng cách hút lấy hơi mà nhai. Đến mùa lá, người dân chọn những tấm lá thuốc ngon nhất rồi treo ngược trên giàn bếp để hong khói. Khi đi rẫy, lên nương hoặc những lúc nhàn rỗi, tấm lá được xé ra bỏ vào miệng nhai ngon lành. Thứ bã lá thuốc còn được phết lên cơ thể như một thứ thuốc kỳ diệu của người Xê Đăng để trừ vắt, muỗi, ruồi vàng.
Ở cheo leo trên đỉnh mây mù, cuộc sống gần như tách biệt với bên ngoài. Người dân ở Tu Chiêu và các làng cho biết lâu lâu họ mới đi bộ xuống xã một lần để mua nhu yếu phẩm. Đường lên làng chỉ là một lối đi nhỏ men theo các kẽ đá, dốc dựng đứng không một thứ phương tiện nào có thể đi nổi ngoài đôi chân trần. Cuộc sống ở trên các ngôi làng chủ yếu là tự cung tự cấp. Nhiều thầy cô giáo ban đầu khi lên núi dạy học thấy đàn ông Xê Đăng chụm lại ba bốn người khiêng chiếc máy xát lúa nặng mấy tạ, tha từng bậc ngược lên núi thì phải há hốc mồm ngạc nhiên; hay những ngày cả làng đứng ra góp sức khiêng đá, khiêng gạch, cõng từng thanh sắt, từng tấm tôn từ chân núi lên làng dựng trường cho con em làm chỗ học... Tất cả đều được thực hiện bằng sự bền bỉ, sức khỏe và dẻo dai cũng như lòng hiếu học của người dân trên rẻo cao. |
Theo THÁI BÁ DŨNG (Tuổi Trẻ)