Ngày 15-11, phiên sơ thẩm xét xử cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh cùng đồng phạm trong vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ bước sang ngày làm việc thứ tư. HĐXX tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo thuộc nhóm tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Thu nhập 10 triệu, “đốt” vào Rikvip 3 tỉ
Theo hồ sơ, chỉ sau hơn hai năm vận hành, đường dây đánh bạc trực tuyến do Phan Sào Nam (cựu giám đốc Công ty CP VTC truyền thông trực tuyến) và Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) cầm đầu đã thu lời bất chính gần 10.000 tỉ đồng. Độ “khủng” của đường dây này được thể hiện qua 25 đại lý cấp 1 và gần 6.000 đại lý cấp 2, có 43 triệu tài khoản đăng ký đánh bạc.
Quá trình xét hỏi tại tòa, lời khai của các “con bạc” cho thấy nhiều người đã đánh cược tất cả vào đây và phần lớn đều trắng tay, trong đó có bị cáo Phạm Quang Thành (30 tuổi, trú tại Đà Nẵng, bị truy tố về tội đánh bạc). Thành tham gia đánh bạc và phát sinh giao dịch mua bán rik trên hệ thống game bài Rikvip từ tháng 6-2016 đến tháng 6-2017 với tên đăng nhập là “bannhachoirik122” (bán nhà chơi rik).
Bị cáo mua bán với nhiều đại lý khác nhau nhưng chủ yếu là đại lý cấp 1 của Cù Huy Thiện (30 tuổi, trú tại Đà Nẵng, bị truy tố tội tổ chức đánh bạc) với tổng giao dịch hơn 3 tỉ rik (tương đương 2,6 tỉ đồng). Có những ngày Thành tham gia tới 70 phiên đánh bạc trực tuyến, trong đó có phiên đặt cược cao nhất là 130 triệu rik, tương đương hơn 107 triệu đồng. Thành khai: “Bị cáo đã bị thua khoảng 3 tỉ đồng, mặc dù tên đăng nhập để chơi bạc là “bán nhà chơi rik” nhưng thực tế bị cáo chưa phải bán nhà mà chỉ... bán ô tô”.
Thành cho biết bản thân làm công nhân, lương tháng 10 triệu đồng. Khi chủ tọa hỏi việc chơi bạc mất nhiều tiền như vậy thì nuôi gia đình ra sao, bị cáo cúi mặt: “Bị cáo không ngờ chơi giải trí, sau ham quá. Giờ bị cáo cảm thấy ân hận, ảnh hưởng xấu tới gia đình”.
Bị cáo Liêu Văn Hoàng (23 tuổi, trú tại Cao Bằng, bị truy tố tội đánh bạc) thì khai để có rik tham gia trò đỏ đen, bị cáo giao dịch bằng tài khoản ngân hàng. Hoàng sử dụng điện thoại di động cá nhân để đăng nhập vào hệ thống đánh bạc, số tiền đặt nhiều nhất là hơn 150 triệu rik, lần trúng thưởng nhiều nhất là hơn 200 triệu rik. Trước khi tham gia đánh bạc, Hoàng làm nghề kiếm tiền trên YouTube, thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng.
HĐXX hỏi có suy nghĩ gì không, Hoàng đáp dù có ít tiền nhưng khi tham gia có thắng cược nên ngày càng đánh lớn. Mục đích chơi ban đầu của bị cáo chỉ là giải trí nhưng sau đó ngày càng ham...
Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại tòa. Ảnh: TP
Bán nhà, vợ bỏ đi vì mê Rikvip
“Cơn lốc” Rikvip không phân biệt địa lý, giàu nghèo hay tuổi tác. Tưởng chừng chỉ những thanh niên trẻ tuổi mới sa ngã trước sự cám dỗ nhưng nhiều bị cáo lớn tuổi cũng dính vào.
Bị cáo Phạm Quang Minh (44 tuổi, trú tỉnh Thái Bình, bị truy tố tội đánh bạc) cho biết bắt đầu tham gia đánh bạc bằng game bài Rikvip/Tip.Club từ tháng 6-2016 đến tháng 8-2017 với hình thức tài xỉu. Để có thể tham gia đường dây đánh bạc, bị cáo nạp tiền bằng thẻ điện thoại của các nhà mạng viễn thông hoặc nạp tiền qua dịch vụ trực tuyến của ngân hàng.
Minh sử dụng tên đăng nhập “anhminhvt102”. Minh mua bán, giao dịch rik với nhiều đại lý khác nhau nhưng chủ yếu là qua đại lý cấp 1 của Trần Quang Hạnh (31 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội; đã bỏ trốn nên tạm đình chỉ vụ án về tội tổ chức đánh bạc). Tổng số rik mà bị cáo mua bán qua 161 lần giao dịch là gần 19 tỉ rik, tương đương gần 16 tỉ đồng.
Tại tòa Minh khai làm nghề tự do, có kinh doanh thêm đồ ăn sẵn, thu nhập khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Nguồn tiền đánh bạc do bị cáo tích cóp từ khi lập gia đình cũng như quá trình làm ăn.
Sau hơn một năm tham gia, bị cáo thua tổng cộng khoảng 2 tỉ đồng, số tiền này là vay mượn người thân, hàng xóm, thậm chí là phải bán nhà để trả nợ. Nghe tới đây, chủ tọa phiên tòa hỏi: “Vậy vợ con bị cáo đi đâu, ở đâu?”. Minh cúi mặt, đáp rằng vợ bị cáo đã bỏ đi đâu không rõ. Minh nói đã nhận ra hậu quả và rất hối hận về hành vi của mình.
Hôm nay, 16-11, tòa tiếp tục làm việc.
Ông Hóa, ông Vĩnh lần lượt vào phòng y tế Sáng 15-11, sau khi phiên tòa bắt đầu được ít phút, bị cáo Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) được đưa vào phòng chăm sóc y tế. Tình trạng này lặp lại vào chiều cùng ngày. Hầu hết thời gian của ngày xét xử thứ tư, bị cáo Vĩnh ở trong phòng chăm sóc y tế. Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục C50) cũng phải vào phòng chăm sóc y tế khá lâu mới trở lại phòng xét xử. Đến chiều, ông Hóa một lần nữa phải di chuyển vào phòng y tế để đảm bảo sức khỏe. Trước đó, trong ngày làm việc thứ ba, luật sư bào chữa cho hai cựu tướng công an nói trên đề nghị cho thân chủ của mình được vào nằm trong phòng y tế vì cả hai bị huyết áp tăng. Nhằm bảo đảm sức khỏe cho các bị cáo, HĐXX đã đồng ý đề nghị này. Phản cung rồi lại nhận tội Tại phần xét hỏi ngày 14-11, bị cáo Trần Thiện Tiến (31 tuổi, trú tỉnh Thái Nguyên, bị truy tố tội đánh bạc) khi được HĐXX hỏi đã thay đổi lời khai so với bản cung tại CQĐT. Theo đó, Tiến một mực khẳng định chỉ có duy nhất nickname tham gia đánh bạc là “Thông minh hơn”. Khi chủ tọa cùng đại diện VKS nhiều lần hỏi về việc tại CQĐT bị cáo khai còn một nickname khác là “Mất nhiều 0123”, Tiến nhất quyết phủ nhận. Thậm chí bị cáo này còn khai được điều tra viên đọc, ký vào biên bản nhằm giúp hoàn thiện hồ sơ... Trước việc phản cung này, đại diện VKS cho hay qua xác minh thì Tiến có dấu hiệu của việc sử dụng ma túy, vì vậy đề nghị HĐXX bác quan điểm của bị cáo. Đến sáng 15-11, Tiến lại thay đổi lời khai. Cụ thể, chủ tọa cho biết có nhận được bản báo cáo của Tiến, trong đó khẳng định bị cáo phản cung là vì bị ốm, uống nhiều thuốc, đầu óc không tỉnh táo nên đã khai không đúng trước tòa. Tiến thừa nhận nick “Mất nhiều 0123” là của mình, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. |