Thức uống được nhiều người ưa chuộng
Vì giá thành không cao nên thức uống này được nhiều người ưa chuộng, em Hữu Lý, Trường ĐH Bách khoa, cho biết: “Em thường uống nước mía vì giá nó không cao, khoảng 4.000-8.000 đồng/ly, rất hợp với túi tiền của sinh viên, vì có nhiều người uống nên em uống mà cũng không chú ý đến việc vệ sinh có đảm bảo không”.
Nhiều cơ sở chế biến nước mía không hợp vệ sinh. Ảnh: Nguyên Võ
Khi được hỏi một khách hàng về việc họ có lo lắng về chất lượng không, anh Phương cho biết: “Tôi hay mua nước mía dọc đường đi làm về để uống, cũng không lo lắng lắm về chất lượng vì bên ngoài họ chỉ để bã mía quanh xe, thân mía họ để khuất phía trong nên tôi cũng không thấy, ly nước mía có bọc bằng nylon nên cũng yên tâm. Thời tiết nóng tôi hay uống nước mía vì giá rẻ, phù hợp với mức lương công nhân như chúng tôi”.
Tác hại của nước mía bẩn
Nước mía sẽ có lợi cho sức khỏe và có thể giúp chúng ta giải khát rất tốt nếu nước mía đó được chế biến theo quy trình an toàn và cần phải được bảo quản sạch sẽ. Ngược lại, nếu nước mía được chế biến theo quy trình mất vệ sinh thì khi uống, nó lại tiềm ẩn nhiều căn bệnh cho người dùng.
Nhiều nơi chế biến nước mía rất cẩu thả, xe nước mía không được che chắn, bảo vệ mà để ngang nhiên trên đường. Một số xe nước mía có khi đến vài ngày mới vệ sinh một lần hoặc vệ sinh sơ sài sẽ gây mất vệ sinh và có khả năng nhiễm nhiều loại vi khuẩn. Ngoài ra còn có một số dụng cụ róc mía còn bị rỉ sét, nếu mía được róc trong những dụng cụ này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Xe bán nước mía không được che chắn, bảo vệ rất dễ bị vi khuẩn gây hại xâm nhập. Ảnh: Nguyên Võ
Việc vận chuyển mía rất đơn giản, làm cho thân mía bám nhiều bụi bẩn, có một số nơi sau khi róc bỏ lớp vỏ ngoài của mía, chặt thành khúc xong rồi bỏ ngay xuống nền gạch, một số nơi bán không hết trong ngày rồi cứ để qua đêm như thế, hôm sau lại tiếp tục bán. Điều này làm cho thân mía có khả năng nhiễm khuẩn, vi sinh vật, E. coli, gây bệnh cho người sử dụng.
Ngoài việc thân mía không sạch một số nơi còn sử dụng nước đá không hợp vệ sinh hoặc những quả quất có chất bảo quản để dùng chung nước mía, điều này càng làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, có khả năng gây ngộ độc cao.
Quy định xử lý người bán nước mía bẩn
Theo luật sư Đặng Thành Trí, việc kinh doanh thức ăn đường phố mà không có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, ngăn côn trùng và động vật gây hại; cũng như sử dụng dụng cụ ăn uống, chế biến, chứa đựng, bảo quản thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm; dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Bên cạnh đó, hành vi sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn cũng như việc sử dụng phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Trường hợp hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng sẽ bị xử lý hình sự.