Các sản phẩm chức năng giả tràn lan trên thị trường không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng các thương hiệu sản xuất mà còn gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
1. Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng
Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ tính riêng chín tháng đầu năm 2016 đã có khoản 8.008 sản phẩm đăng ký mới, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 60,6% và sản phẩm nhập khẩu chiếm 39,4%. Tính đến hiện tại, số người sử dụng thực phẩm chức năng ở Hà Nội chiếm khoảng 63% người trưởng thành và ở Hồ Chí Minh là khoảng 43% người trưởng thành.
Hằng năm, số lượng người có nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng không ngừng tăng cao. Chính vì thế, các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cũng ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, sau các cuộc thanh kiểm tra của các đơn vị chức năng cho thấy bên cạnh những đơn vị bán thực phẩm chức năng chính hãng vẫn còn tồn tại rất nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
2. Các hình thức xử lý hành vi buôn bán, sản xuất thực phẩm chức năng giả
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh và các thương hiệu sản xuất thực phẩm chức năng chính hãng, Chính phủ đã ban hành nhiều hình thức xử phạt đối với các đơn vị, cá nhân kinh doanh thực phẩm chức năng giả.
Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, các quy định về xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả được thắt chặt hơn. Tại Điều 317 về tội “vi phạm quy định ATVSTP” quy định: Các hành vi chế biến, cung cấp, buôn bán thực phẩm mà biết rõ thực phẩm không đảm bảo các quy định, quy chuẩn ATVSTP sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn ATVSTP sẽ bị tịch thu và xử lý.
Tuy nhiên, thiết nghĩ để kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng hiệu quả thì các biện pháp xử lý cần phải mạnh tay hơn. Đồng thời, người tiêu dùng khi phát hiện ra các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả cần báo ngay cho các đơn vị chức năng để kịp thời xử lý.