“UBND quận 6 đề nghị chủ đầu tư dự án Tân Hóa - Lò Gốm có biện pháp chế tài đơn vị thi công gây lún, nứt nhà dân nhưng chậm chi trả bồi thường. Cụ thể, phong tỏa các khoản thanh toán của gói thầu mà hiện Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị TP (ban quản lý) chưa thanh toán cho đơn vị thi công, dùng khoản tiền này chi trả cho các hộ dân đã thống nhất giá trị bồi thường, hỗ trợ” - ông Võ Văn Hoan, Chủ tịch UBND quận 6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCMsau tuyến bài “Sống sợ hãi trong nhà chờ sập” (số báo ngày 18 và 19-8).
Mới bồi thường được hơn 50%
. Phóng viên: Đến thời điểm này tiến độ giải quyết bồi thường cho người dân như thế nào rồi, thưa ông?
+ Ông Võ Văn Hoan: Theo số liệu thống kê tại 14 phường, đến ngày 1-7 số trường hợp nhà sụp đổ, có nguy cơ sụp đổ, bị rạn nứt do ảnh hưởng của dự án là 608 căn. Đơn vị thi công đã bồi thường cho 321 hộ, còn lại 287 trường hợp đang tiếp tục tổ chức hiệp thương. Tuy nhiên, tính đến ngày 19-8 thì có thêm 66 trường hợp được bồi thường hỗ trợ. Số còn lại, một phần đơn vị thi công và người dân đã hiệp thương nhưng chưa thống nhất giá, một phần chưa tiến hành hiệp thương.
Trước đó, chúng tôi cũng đã kiến nghị ban quản lý yêu cầu đơn vị thi công lập bản chiết tính giá trị thiệt hại, thương lượng trực tiếp với chủ nhà để chi trả một lần bằng tiền mặt với sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Các đơn vị thi công phải chi trả ngay cho các trường hợp đã đồng ý giá trị bồi thường, hỗ trợ.
. Trường hợp 94 căn nhà có nguy cơ sụp đổ được giải quyết như thế nào?
+ UBND quận đã chỉ đạo các phường vận động 94 hộ di dời ra khỏi những căn nhà có nguy cơ sụp đổ. Quận cũng đề nghị các đơn vị thi công chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà ở hằng tháng cho dân đúng thời gian cam kết.
. Thực tế có những hộ xin di dời nhưng không được đơn vị thi công đồng ý. Ngược lại, cũng có hộ đã được hỗ trợ di dời nhưng vẫn nán ở lại…
+ Quận và chủ đầu tư đã thống nhất quan điểm, dù nhà chưa có nguy cơ sụp đổ nhưng nếu người dân không yên tâm, xin được di dời để đảm bảo an toàn thì đơn vị thi công vẫn phải xem xét hỗ trợ kinh phí. Những trường hợp Pháp Luật TP.HCM phản ánh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại.
Riêng đối với những hộ đã nhận tiền nhưng vẫn ở lại, quận 6 sẽ tiếp tục chỉ đạo các phường vận động dân di dời ngay để đảm bảo an toàn.
Căn nhà chị Lê Thị Thùy Dương, 275/9 Đặng Nguyên Cẩn, phường 14, quận 6 đã hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: V.HOA
“Tẩy chay” nhà thầu chây ì
. Ban quản lý có cam kết đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành công tác bồi thường. Tiến độ này có được đảm bảo không, thưa ông?
+ Hiện ban quản lý đã cùng các đơn vị thi công phối hợp với các phường 8, 11, 14 xây dựng kế hoạch chi trả bồi thường chi tiết cho từng tuần trong tháng 8. Đến cuối tháng 8, việc chi trả bồi thường cho người dân các phường này phải hoàn thành.
Tuy nhiên, do còn hơn 200 hộ chưa giải quyết xong nên khối lượng công việc là rất lớn. UBND quận 6 đề nghị ban quản lý quyết liệt hơn, yêu cầu đơn vị thi công phải khẩn trương đeo bám công việc từng tuần. Quận cũng đã chỉ đạo UBND các phường tạo mọi điều kiện thuận lợi để ban quản lý và các đơn vị thi công hoàn thành nhiệm vụ.
Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục kiến nghị ban quản lý lập danh sách đơn vị thi công không chịu bồi thường dứt điểm cho dân, đề xuất UBND TP cấm các đơn vị này tham gia đấu thầu các dự án trên địa bàn TP.
. Xin cám ơn ông.
Lại thất hẹn với dân Ngày 18-8, UBND phường 14, quận 6 đã mời bà Lê Thị Mười ở 101/50 D8 Tân Hóa (nhân vật trong số báo 19-8) lên để hiệp thương giá cả bồi thường lần hai. Tuy nhiên, khi bà lên phường thì đại diện chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công vắng mặt. “Trước đó, trong lần hiệp thương đầu tiên, đơn vị thi công hẹn một tuần sau tiếp tục hiệp thương nhưng gần một tháng sau vẫn không thấy tin tức gì. Hôm nay theo thư mời, tôi lên phường nhưng lại phải trở về tay không. Chúng tôi phải chịu đựng nhiều nỗi khổ suốt hai năm. Nay dự án hoàn thành nhưng đơn vị thi công đã không giữ lời hứa khiến tôi rất bức xúc” - bà Mười nói. |