Báo Pháp Luật TP.HCM gửi quà của bạn đọc đến người dân xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh

(PLO)- Sau cơn bão số 3, nhiều người dân ở xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh gần như đã mất trắng tất cả tài sản của mình.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-10, sau chương trình hỗ trợ người dân ở Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hải Phòng, đoàn công tác Báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục đến thăm, chia sẻ và gửi hỗ trợ của bạn đọc, nhà hảo tâm tới các gia đình bị thiệt hại do bão số 3 (YAGI) tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong những xã giáp biển của huyện Vân Đồn, chịu thiệt hại nặng nề khi bão đổ bộ vào.

Báo Pháp Luật TP.HCM gửi quà của bạn đọc đến người dân xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh

Tài sản mất hết sau cơn bão

Chị Phạm Thị Bình (thôn Đông Hà, xã Đông Xá) vẫn còn xúc động mỗi khi được hỏi về cơn bão số 3 vừa qua. Bao nhiêu vốn liếng, tài sản của gia đình chị Bình đều bị bão cuốn đi hết.

“Nhà tôi có 3 giàn hàu thì bị bão cuốn đi 2 giàn, mỗi giàn 30 dây, ước tính hơn 200 tấn hàu. Tổng thiệt hại lên đến khoảng hơn 2 tỉ đồng.

Có nhiều nhà sau bão còn nhặt lại được một ít phao, như nhà tôi thì không lấy lại được bất cứ gì” – chị Bình xúc động nói.

Báo Pháp Luật TP.HCM gửi quà của bạn đọc đến người dân xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: NGỌC SƠN
Báo Pháp Luật TP.HCM gửi quà của bạn đọc đến người dân xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: NGỌC SƠN

Cả giàn hàu là toàn bộ tài sản của gia đình chị Bình. Để đầu tư các giàn hàu này, gia đình chị đã phải vay mượn khắp nơi, từ vay ngân hàng, đến vay ngoài, vay từ họ hàng, anh em. Để giờ đây bão quét qua, tài sản mất hết, nợ thì vẫn phải trả.

Cũng ở thôn Đông Hà, cách đó không xa là gia đình anh Nguyễn Văn Khanh. Tuy nhiên, căn nhà lụp xụp anh cùng vợ và 2 đứa con đang ở trong thôn lại là nhà đi mượn.

“13 năm trước, sau khi lấy vợ, nhà tôi đã ra ở riêng, ở dưới bè, cũng tiện để nuôi trồng thủy sản” – anh Khanh nói.

Trước khi bão số 3 đổ bộ, gia đình anh được cán bộ chính quyền địa phương vận động để đưa lên bờ tránh bão.

bao-phap-luat-tp-hcm-gui-qua-cua-ban-doc-den-nguoi-dan-xa-dong-xa-huyen-van-don-quang-ninh-4.jpg
Báo Pháp Luật TP.HCM cùng đại diện MTTQ Việt Nam xã Đông Xá trao hỗ trợ đến gia đình anh Nguyễn Văn Khanh. Ảnh: NGỌC SƠN

Bão tan, gia đình anh quay trở lại bè thì trước mặt chỉ còn một vùng biển mênh mông cùng cảnh tượng kinh hoàng khi vô vàn xác bè, phao trôi nổi trên mặt biển.

“Mất hết. Gia đình tôi chỉ nhặt lại được 1 phần khung bè và chiếc thuyền mủng” – anh Khanh cho biết.

Không còn bè để ở, gia đình anh đành phải mượn căn nhà xuống cấp của một người họ hàng để sống tạm. Cuộc sống hàng ngày của anh chị phải dựa vào chiếc thuyền mủng, đi làm thuê cho người khác để duy trì. Đó là chưa kể vợ anh Khanh còn đang bị ung thư, phải thường xuyên đưa lên Hà Nội để điều trị. Mất hết tài sản, còn phải lo cho vợ, cho con, là những gì người đàn ông này đang phải chịu đựng, gánh vác hơn 1 tháng nay.

Còn bên thôn Đông Hải (xã Đông Xá), gia đình anh Từ Văn Sinh mới thoát cận nghèo từ năm 2021, gia đình sinh sống trong một căn nhà cấp 4 nhỏ, công việc hằng ngày của anh là đi đánh bắt thủy sản để nuôi gia đình.

“Chưa bao giờ tôi chứng kiến một cơn bão khủng khiếp như bão số 3. Căn nhà đã xuống cấp, nay còn bị bão đi qua khiến càng thêm xuống cấp, mái, ngói bị bay nhiều” – anh Sinh nói.

bao-phap-luat-tp-hcm-gui-qua-cua-ban-doc-den-nguoi-dan-xa-dong-xa-huyen-van-don-quang-ninh-5.jpg
Báo Pháp Luật TP.HCM cùng đại diện MTTQ Việt Nam xã Đông Xá trao hỗ trợ đến gia đình anh Từ Văn Sinh. Ảnh: NGỌC SƠN

Còn đối với công việc đánh bắt thủy sản hàng ngày của anh dựa hết vào chiếc cano nhỏ và đống ngư cụ, thế nhưng bão số 3 cũng khiến anh gần như mất trắng. Cano bị chìm, máy móc hỏng, ngư cụ bị cuốn trôi hết. Thế nhưng may mắn anh vẫn vớt được chiếc cano lên bờ để đợi sửa chữa.

“Tôi giờ thất nghiệp thôi. Đang cố gắng vay mượn để sửa chữa chiếc cano để tiếp tục đi biển” – anh Sinh vừa cười vừa tếu táo nói.

Hơn 800 tỉ đồng bị cuốn bay

Ông Nguyễn Đức Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Đông Xá cho biết, ước tính sau bão số 3, chỉ tính riêng trên địa bàn xã đã thiệt hại gần 800 tỉ đồng. Có 9 nhà bị tốc mái hoàn toàn, hư hỏng nặng; 29 nhà bị thiệt hại từ 50% trở lên. Ngoài ra còn có các hộ bị thiệt hại từ 50% trở xuống, thiệt hại nhẹ về mái nhà ở, mái chống nóng, xưởng.

bao-phap-luat-tp-hcm-gui-qua-cua-ban-doc-den-nguoi-dan-xa-dong-xa-huyen-van-don-quang-ninh-7.jpg
Ông Nguyễn Đức Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Đông Xá phát biểu tại buổi trao hỗ trợ. Ảnh: NGỌC SƠN

Thiệt hại nặng nề nhất ở xã là các hộ dân làm nghề đi biển, nuôi trồng thủy sản. Theo thống kê số liệu bị thiệt hại gồm: Ngao 97.200 lồng; Hầu 10.000 dây; Thưng 30.000 lồng; Ngao giống, sần, thưng 2.012 vạn; 300 lồng cá nuôi cá các loại bị mất; 25 bè nuôi trồng thủy sản và 40 bè trông coi nuôi trồng thủy sản ngoài biển hư hại; 14 tàu xi măng trông coi thủy sản bị vỡ chìm.

Thời gian qua, UBND xã Đông Xá đã triển khai rà soát thống kê tình hình thiệt hại thành lập 2 Tổ công tác để Hướng dẫn người dân kê khai thiệt hại đảm bảo theo quy trình, quy định để có thể được hỗ trợ.

“Sau hơn 1 tháng bão đi qua, đến thời điểm này, về cơ bản các nhà bị hư hỏng đã được sửa chữa, người dân cũng dần bắt đầu khôi phục lại sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trong đó vẫn còn rất nhiều hộ dân khó khăn đang loay hoay tìm nguồn vốn vay để có thể bắt đầu lại. Chúng tôi rất cảm ơn tình cảm của bạn đọc Báo Pháp luật TP.HCM, của quý báo đã có những phần hỗ trợ cho người dân khó khăn có thể ổn định hơn trong cuộc sống sau bão số 3, thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái của dân tộc ta” – ông Nghiệp cho biết.

bao-phap-luat-tp-hcm-gui-qua-cua-ban-doc-den-nguoi-dan-xa-dong-xa-huyen-van-don-quang-ninh-3.jpg
Báo Pháp Luật TP.HCM trao 3 phần hỗ trợ cho 3 em nhỏ học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn sau bão số 3 tại thôn Đông Xá. Ảnh: NGỌC SƠN

Dù mất hết tài sản, nhưng chị Phạm Thị Bình vẫn vững tâm, làm lại từ đầu từ những nguồn hỗ trợ từ tỉnh, xã hội hóa. “Vẫn phải vay mượn để bắt đầu nuôi trở lại chứ, mình vay được bao nhiêu, có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu” – chị Bình nói.

Với anh Sinh, anh cho biết cũng sẽ tiếp tục vay mượn để sửa chiếc cano, tiếp tục đi biển để nuôi gia đình. Và tinh thần đó cũng là tinh thần của gia đình nhà anh Khanh. Dù mất mát, dù còn đó nhiều khó khăn, nhưng lạc quan là cách duy nhất để họ chiến đấu với những chông gai này.

bao-phap-luat-tp-hcm-gui-qua-cua-ban-doc-den-nguoi-dan-xa-dong-xa-huyen-van-don-quang-ninh-6.jpg
Bà Lưu Thị Nga thay mặt các hộ gia đình được hỗ trợ tại xã Đông Xá gửi lời cảm ơn đến bạn đọc Báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGỌC SƠN

Đại diện các hộ được nhận các phần hỗ trợ từ bạn đọc Báo Pháp Luật TP.HCM, bà Lưu Thị Nga (Thôn Đông Thắng, xã Đông Xá) cho biết rất xúc động khi nhận được phần hỗ trợ từ bạn đọc của Báo. “Chúng tôi ở đây nhiều người là những hộ nuôi trồng thủy sản, đều chịu thiệt hại rất nặng nề sau bão cơn bão số 3. Nhận được phần hỗ trợ từ bạn đọc của Báo Pháp Luật TP.HCM, chúng tôi rất xúc động và sẽ dùng những kinh phí hỗ trợ này ổn định lại cuộc sống” – bà Nga nói.

1.038.201.270 đồng bạn đọc đóng góp hỗ trợ bà con vùng bão lũ

Ngày 10-9-2024, với tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, nhằm tiếp sức, chia sẻ cùng đồng bào các tỉnh phía Bắc chống chọi với thiên tai, Báo Pháp luật TP.HCM kêu gọi quý bạn đọc ở khắp mọi miền đất nước cũng như kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào bị nạn trong siêu bão.

Sau gần một tháng kêu gọi, đến ngày 2-10, Báo Pháp Luật xin phép ngừng nhận quyên góp. Tổng số tiền bạn đọc ủng hộ gửi đến báo là 1.038.201.270 đồng, 1.000 cái mền và 500 bộ quần áo mới.

Ngay sau khi tiếp nhận ủng hộ từ bạn đọc, Báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức các chuyến đi hỗ trợ bà con tại các tỉnh bị thiên tai.

Cụ thể:

- Trích 200.000.000 đồng chuyển về Ủy ban MTTQ TP.HCM theo đăng ký đóng góp tại lễ phát động; chuyển 1.000 cái mền sang Ủy ban MTTQ TP.HCM.

- Chuyển 500 bộ quần áo đến Hội chữ thập đỏ quận Phú Nhuận.

- Hỗ trợ tại Yên Bái: 310.000.000 đồng.

- Hỗ trợ tại Lào Cai: 175.000.000 đồng.

- Hỗ trợ nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu: 40.000.000 đồng.

- Hỗ trợ tại Hải Phòng: 120.000.000 đồng.

- Hỗ trợ Quảng Ninh: 153.600.000 đồng

- Chuyển về Công đoàn viên chức TP.HCM: 39.545.000 đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm