Bão quét qua Trường Sa, Côn Đảo

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ 16 giờ cùng ngày, Côn Đảo đã có gió giật cấp 7. Tuy nhiên, đến 21 giờ gió đã tạnh, mưa ngớt. Theo dự báo, đến gần sáng 26-12 bão sẽ quét qua đảo.

Trước đó, trong đêm 24-12, bão số 16 quét qua quần đảo Trường Sa với sức gió cấp 11, giật cấp 12-13, gây thiệt hại nặng.

Do công tác chuẩn bị tốt nên bão không gây thiệt hại về người, hàng chục tàu cá của ngư dân cùng hàng trăm ngư dân các tỉnh vào trú tránh bão đều an toàn, được chăm sóc y tế, tạo điều kiện nơi ở, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết.

Theo ông Đào Phương Chi, Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, Đảng ủy - Chỉ huy Lữ đoàn 146 đã phân công nhiệm vụ cho từng người trong ban chỉ huy luôn bám sát, nắm, theo dõi chỉ đạo kịp thời cho các đảo, xử lý các tình huống trước, trong và sau khi bão số 16 càn quét qua các đảo.

Tuy nhiên, bão đã gây thiệt hại cho các đảo Tiên Nữ, Trường Sa Đông, Trường Sa, Phan Vinh, Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Lát, An Bang: Gần 80 tấm pin năng lượng mặt trời bị gió cuốn, bể nát...

Tại đảo An Bang, đảo Trường Sa, khoảng 90% cây cối đổ gãy. Một số téc nước sinh hoạt bị bật nắp; hệ thống vườn tăng gia ở các đảo bị sập, hư hỏng nặng. Hệ thống đèn chiếu sáng tại các đảo cũng bị hư hỏng nặng.

Tại đảo An Bang, nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của bão số 16 bị tốc mái, panô khẩu hiệu đổ gãy. Hiện tại quân và dân Trường Sa đang tích cực khắc phục những thiệt hại do bão Tembin gây ra.

Khi cơn bão đi qua, Đại úy Trương Mai Bình, đảo trưởng đảo Đá Đông, cho biết qua điện thoại: đây là cơn bão lớn và công tác chuẩn bị phòng, chống được quán triệt toàn đảo để hạn chế thiệt hại thấp nhất. Nhà cửa, cơ sở kỹ thuật được chằng néo, chuẩn bị nơi trú ẩn nên sau khi bão quét qua cán bộ, chiến sĩ trên đảo an toàn. Tuy nhiên, do cường độ bão lớn gây sóng to, gió lớn đã gây thiệt hại nhà giàn trồng rau và phần kè.

Đến chiều 25-12, thời tiết trên đảo khá ổn định, trời quang đãng. Cán bộ, chiến sĩ tập trung thu dọn khu vực trồng rau và ổn định cuộc sống, tinh thần anh em chiến sĩ trên đảo.

Lực lượng hải quân trú đóng tại đảo Phú Quốc cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên đảo chủ động phòng, chống bão, tránh thiệt hại về người và cơ sở vật chất trên đảo khi bão vào.

Trong những ngày qua, các hãng hàng không đã hủy các chuyến bay và các chuyến tàu cao tốc đi và đến Phú Quốc. Do đó số lượng du khách mắc kẹt tại đảo hơn 4.000 người (gần 2.200 du khách quốc tế). Khách sạn Ocean Pearl đã huy động mọi nguồn lực, tận dụng tất cả phòng, tạo mọi điều kiện, sắp xếp bố trí cho du khách nghỉ lại.

“Huyện Phú Quốc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện không được đầu cơ tăng giá trong thời gian du khách lưu trú tránh bão” - ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết.

Các quán ăn trên địa bàn huyện đã chủ động mua dự trữ lương thực, thực phẩm, bán đúng giá niêm yết, không đầu cơ tăng giá. Các hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn Phú Quốc đã tạm dừng hoạt động, các khách sạn, nhà hàng, resort, khu du lịch không cho du khách xuống biển…

Tại nhà giàn DK1, khi bão đi qua gây sóng lớn. Nhà giàn liên tục hứng những cột nước biển dội xuống nhưng các chiến sĩ nhà giàn vẫn bám trụ. Đến 8 giờ sáng 25-12, nhà giàn DK1 vẫn sừng sững giữa tiền tiêu Tổ quốc...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm