Bão số 14 sắp đổ bộ, TP.HCM sẽ di dời khoảng 3.000 dân

Trưa nay (18-11), trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cho biết chiều qua (17-11), UBND TP đã có chỉ đạo cho Cần Giờ lên phương án phòng tránh bão, di dời dân.

Huyện Cần Giờ đã thông báo cho ngư dân ngoài khơi biết về đường đi của cơn bão số 14. Ảnh: L.THOA

Sáng nay, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, đã có liên lạc chặt chẽ với huyện để nắm thông tin, đưa ra chỉ đạo phù hợp.
Hiện nay lãnh đạo huyện vẫn trực ban ở địa phương, sẵn sàng chỉ đạo các lực lượng, chuẩn bị mọi điều kiện ứng phó với cơn bão.
Về phương án di dời dân, dự kiến huyện sẽ phải di dời khoảng 3.000 người và di dời dân tại chỗ. Nếu bà con ở xã đảo Thạnh An thì đưa vào các công trình kiên cố để dân tránh trú, còn trong đất liền thì cũng di dời dân đến các địa điểm an toàn về kết cấu.
Lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cũng cho biết tất cả địa điểm dự kiến di dời dân đã được lãnh đạo các xã/thị trấn xuống kiểm tra, chuẩn bị những điều kiện cần thiết như nước uống, vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, tất cả lực lượng tại chỗ trên địa bàn huyện cũng đã sẵn sàng cứu trợ bà con.
“Tất cả tàu thuyền đang đánh bắt ngoài khơi đã được thông báo về cơn bão và đường đi của nó từ chiều hôm qua để người dân biết. Còn chuyện cấm tàu thuyền thì TP đang cân nhắc” - lãnh đạo UBND huyện nói thêm.
Trước đó, vào chiều 17-11, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chủ trì cuộc họp khẩn với các sở, ban, ngành và các quận, huyện liên quan để triển khai phương án phòng tránh, ứng phó với cơn bão số 14.
Ông Lê Thanh Liêm cho biết mặc dù theo dự báo, bão ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TP.HCM nhưng không được chủ quan vì bão thường khó lường, bất thường và diễn biến phức tạp. TP.HCM cũng có nhiều công trình xây dựng, cần trục, cây xanh… và đang trong đợt triều cường đỉnh triều đạt 1,6 m.
Để chủ động ứng phó với cơn bão, ông Liêm yêu cầu theo dõi sát diễn biến, triển khai các phương án đã được diễn tập từ trước đó. Đặc biệt, ông Liêm lưu ý huyện Cần Giờ sẵn sàng công tác di dời dân ở xã đảo Thạnh An và người dân ở nhà tạm bợ, ven sông rạch.

Vị trí và đường đi của bão số 14 . Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến khoảng 4 giờ ngày 19-11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa-Bình Thuận khoảng 150 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 12.

Trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào khu vực Nam Trung bộ rồi suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 20-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên khu vực miền Nam Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm