Ngày 4-7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp giao ban triển khai công tác ứng phó với bão số 2. Các thông tin về mức độ thiệt hại sau bão đã được đưa ra.
Năm người thương vong vì cầu sập
Theo đó, sáng 4-7, thời điểm bão số 2 hoành hành trên đất liền, cầu Yên Hòa nằm trên đường 513 qua xã Hải Hà (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bị sập phần mố, làm năm người đi xe máy rơi xuống hố.
Trong những nạn nhân, vợ chồng anh Nguyễn Như Thắng, chị Nguyễn Thị Tâm tử vong. Ba người khác bị thương đang được điều trị tại bệnh viện là ông Đặng Bá Hậu, ông Nguyễn Bá Khải, bà Nguyễn Thị Bảy. Các nạn nhân đều ngụ huyện Tĩnh Gia.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, lúc hơn 3 giờ, mưa lớn làm nước chảy xiết, xoáy vào chỗ tiếp giáp đầu cầu Yên Hòa với đường nhựa, gây sụt lún thành hố lớn. Cùng thời điểm đó, do trời tối, các nạn nhân không phát hiện được nên xảy ra vụ việc đau lòng trên.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã huy động phương tiện cùng 50 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường cứu hộ và tìm kiếm nạn nhân. Đến 8 giờ sáng cùng ngày, thi thể vợ chồng anh Thắng được bàn giao cho gia đình và chính quyền địa phương. Các biện pháp khắc phục sự cố sập cầu cũng đồng thời được tiến hành.
Vụ sập mố cầu nghiêm trọng ở xã Hải Hà (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã khiến năm người thương vong. Ảnh: Đ.TRUNG
Hải Phòng và nhiều tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng
Đêm 3-7 và rạng sáng 4-7, trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa sau những ngày nắng nóng gay gắt gây cháy rừng thì bão số 2 gây mưa lớn.
Tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), mưa dông trên diện rộng, nhiều nhà và đường sá ngập trong biển nước, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Do lượng nước từ hệ thống kênh mương dồn về lớn khiến kênh tưới Nam Vực Mấu (xã Quỳnh Văn, Hoàng Mai) bị vỡ, nước đổ ra các cánh đồng, chảy vào nhà dân. Trong đó, tại phường Mai Hùng, xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) ngập nặng, nhiều nhà dân bị ngập sâu hơn 1 m, phải di dời tài sản lên các điểm cao. Có hàng chục hecta hoa màu của bà con nhân dân ngập chìm trong biển nước.
Tại một số huyện miền núi khác của Nghệ An đã xảy ra lũ ống, nước dâng cao ở các cầu tràn gây nguy hiểm cho người qua lại. Lực lượng chức năng trong lúc thực hiện nhiệm vụ đã cứu được một người dân là ông Nguyễn Văn Thao (huyện Quỳ Hợp). Trước đó, ông Thao rời nhà người thân, đi xe máy trở về dưới trời mưa to. Khi đi qua cầu tràn ở bản Ính (xã Châu Lộc) thì lũ ống đã đẩy, cuốn trôi ông Thao cùng chiếc xe máy. Nạn nhân vội ôm được một ngọn tre bên suối, bám trụ và kêu cứu. Trong đêm tối, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã cứu được ông Thao và sau đó trục vớt được chiếc xe máy của ông.
Còn tại Hải Phòng, bão số 2 bắt đầu đổ bộ vào từ 1 giờ sáng, gió mạnh nhất vào lúc 3-4 giờ sáng với sức gió cấp 8, giật cấp 10. Tuy nhiên, từ 21 giờ tối hôm trước, gió đã mạnh và sóng biển cao dồn dữ dội vào bờ. Tại quận trung tâm TP, gió bão làm bật gốc một số cây ven đường, nhiều cây bị gãy cành. Khi bão suy yếu, lực lượng chức năng có mặt cắt dọn các cây xanh bị gãy cành, bật gốc, đảm bảo an toàn.
Thông tin tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho hay bão số 2 đã thành áp thấp nhiệt đới, đi sâu vào đất liền,suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía tây Bắc bộ. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá bão gây thiệt hại không nhiều nhưng trong một, hai ngày tới có khả năng sẽ xảy ra tình trạng mưa cục bộ. Mưa sẽ tiếp tục lan rộng ra đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, trọng tâm mưa là khu vực Hòa Bình và Sơn La. Ngoài ra, do ảnh hưởng của tình hình thời tiết trên nên trong ngày 4-7, tỉ lệ hoãn, hủy các chuyến bay ra đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) và đảo Cát Bi (Hải Phòng) vẫn nhiều.
Thứ trưởng yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tiếp tục theo dõi sát tình hình.
Tiếp tục tìm kiếm 9 ngư dân mất tích ngay khi bão tan Liên quan đến việc tìm kiếm chín ngư dân Nghệ An mất tích do chìm tàu tại Hải Phòng trước bão số 2, Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN) đã có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng của Trung Quốc hỗ trợ khẩn cấp, phối hợp với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của VN tổ chức tìm kiếm chín ngư dân còn mất tích. Trên cơ sở đề nghị của phía VN, phía Trung Quốc đã điều tám tàu và hai máy bay trực thăng đến khu vực trên để phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Việc tìm kiếm phải tạm dừng do bão số 2 gây thời tiết xấu. Để triển khai công tác tìm kiếm các thuyền viên đang mất tích khi cơn bão kết thúc, Bộ GTVT đề nghị Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao tiếp tục có công hàm đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp tục tạo thuận lợi, phối hợp với lực lượng tìm kiếm cứu nạn của VN. VIẾT THỊNH |