Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng nay tâm bão cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 410 km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 610 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180 km tính từ tâm bão.
Vị trí, đường đi của bão số 9
Bão đang di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km và có khả năng mạnh thêm.
Đến sáng mai, 24-11, tâm bão ở cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 150 km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 300 km, cách đảo Phú Quý khoảng 80 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220 km tính từ tâm bão; bánh kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80 km tính từ tâm bão.
Bão gây mưa ở vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Sau đó di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ với cường độ mạnh cấp 8.
Ảnh mây vệ tinh cơn bão số 9
Dự báo đến sáng 25-11, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Nam Trung bộ và Đông Nam bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.
Trung tâm Khí tượng cảnh báo: Đêm nay (23-11), các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6 m, vùng gần bờ cao 3-5 m.
Cơn bão gây mưa to ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên (300-500 mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam bộ có mưa to (100-200 mm/đợt) gây ra đợt lũ ở mức báo động 1 đến trên mức báo động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.