Theo đó, mới nửa đầu năm nay nhưng đã rất nhiều thông tin xấu về trẻ em được phát hiện, xử lý như trẻ em ở mầm non bị người lớn bạo hành, trẻ em bị xâm hại tình dục… Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta chăm lo cho trẻ em chưa đầy đủ, chưa đúng cách.
Luật Trẻ em 2016 thể hiện chính sách nhất quán trong việc chăm sóc cho con trẻ ở nước ta. Tuy nhiên, chính sách bảo vệ trẻ em trong những vụ xâm hại vẫn còn nhiều lỗ hổng. Chẳng hạn vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể các dấu hiệu của tội dâm ô người dưới 16 tuổi, thế nào là dâm ô. Còn nhiều cách hiểu khác nhau trong các cơ quan tố tụng. Gần đây thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới ra dự thảo nghị quyết về việc hướng dẫn xử lý đối với tội dâm ô.
Từ năm 2010, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành quy trình can thiệp giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý tố giác, tin báo và giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em hiện nay cũng chưa có.
Bên cạnh đó, theo quy trình giám định tình dục hiện tại khiến việc giám định tình dục muộn, ít là vài ngày, thậm chí đến vài tháng và khi đó hầu như không còn dấu vết của xâm hại tình dục, bỏ lọt tội phạm.
Vì vậy, các trục trặc liên quan đã không được ngăn chặn mà còn được dung dưỡng lớn dần. Thậm chícó cơ hội nảy sinh những tiêu cực khác với hậu quả lớn hơn, làm méo mó các chuẩn mực hành xử xã hội như chuyện tạt sơn nhà của một nghi phạm dâm ô.
Thêm vào đó, có thực tế là vì nhiều nguyên nhân khác, nạn nhân của các hành vi quấy rối tình dục, dâm ô, ấu dâm thường im lặng. Họ lo ngại về một cuộc sống không bình thường, không muốn đặt mình vào những ánh mắt kỳ thị của những người xung quanh.
Những kẻ ấu dâm có hiểu biết thì ngụy biện, chơi chữ như chỉ “nựng” cháu bé. Những kẻ quấy rối tình dục nhởn nhơ khi hành vi “sờ mông, sờ đùi” không phải là dâm ô. Những ghi nhận gần đây cho thấy tội phạm trong lĩnh vực này gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.
Bức tranh đó phản ánh tính nghiêm minh của pháp luật bị nghi ngờ. Và quan trọng hơn, những nỗi đau bị xâm hại sẽ ám ảnh các em; quyết định phần nào nhân cách, cuộc sống của mầm non tương lai đất nước sau này.
Trước tình hình đó, chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừađề nghị Quốc hội đã đề xuất và với kết quả 388/426 phiếu chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” đã được đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội.
Việc quan trọng và cấp bách nhất đó chính là rà soát sự chồng lấn hay lỗ hổng của các quy phạm pháp luật, chỉnh sửa và hoàn thiện chúngđể đảm bảo tính răn đe của luật.
Hy vọng của bọn trẻ được an toàn hơn ra khi cơ quan quyền lực cao nhất, tập hợp lực lượng ưu tú nhất đã lưu ý thực sự đến việc bảo vệ trẻ em - bảo vệ tương lai của dân tộc.