Sáng nay, 3-6, với 79,13% số ĐBQH biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thống nhất thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em vào năm 2020.
ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn).
Trình bày tờ trình dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, là năm Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.
“Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào giữa năm 2020” – ông Phúc nói.
Theo đó, tờ trình đề nghị Quốc hội lựa chọn một trong hai chuyên đề để thực hiện giám sát. Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Thảo luận tại hội trường, đa phần các ĐB đề nghị Quốc hội lựa chọn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. “Trẻ em là đối tượng được gia đình và hội phải bảo vệ nhưng gần đây liên tục xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, nó gióng lên hồi chuông cảnh bảo. Điều đó cho thấy cần phải có lá chắn bảo vệ trẻ em, chống lại việc xâm hại các em” – ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) nói.
Theo ĐB Phương, dù đã có nhiều quy định bảo vệ trẻ em và các giải pháp ngăn chặn xâm hại trẻ em tuy nhiên việc xâm hại tình dục, vấn đề bạo lực học đường… vẫn đang diễn ra ngày càng nhiều, nhiều vụ việc gây rúng động dư luận, khiến xã hội bức xúc.
Bà dẫn số liệu từ Quốc hội cho hay chỉ từ năm 2018 đến hết quý I – 2019 đã có 3.499 vụ xâm hại trẻ em, và 60% số này là xâm hại tình dục. Đáng báo động hơn, có tới 21,3% trẻ em bị xâm hại tình dục là do các người thân trong gia đình. “Những số liệu nêu trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng do gia đình e ngại không tố giác” – ĐB Phương nói.
Bà cũng cho rằng hiện công tác bảo vệ trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, nhiều vụ xử lý chưa nghiêm, thiếu sự giám sát của các cơ quan dân cử. Chính vì vậy cần thực hiện giám sát tối cao về vấn đề này để kịp thời phát hiện những bất cập trong chính sách pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện hơn.
ĐB Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam).
Bên cạnh vấn đề xâm hại trẻ em, nhiều ĐBQH đề nghị Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về vấn đề môi trường.
ĐB Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho hay đây là vấn đề đạt cả ba tiêu chí để Quốc hội giám sát tối cao như: là vấn đề dư luận bức xúc, được nhiều Đoàn ĐBQH đề xuất và chưa được thực hiện giám sát tối cao những năm gần đây.
“Qua thống kê trong phụ lục tờ trình dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 cho thấy có khoảng 20 đơn vị đề nghị thực hiện giám sát về lĩnh vực môi trường. Số lượng các đoàn ĐBQH đề nghị giám sát nội dung này còn nhiều hơn hai đề xuất trong tờ trình nêu ra” – ĐB Dũng nói và đề nghị giám sát vấn đề môi trường.
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ).
Phát biểu trước đó, ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng đề xuất cần giám sát thêm nội dung chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường giai đoạn 2015-2020.
“Thời gian qua dù vấn đề này đã được nhiều cơ quan thanh tra giám sát, xử lý nhưng vi phạm môi trường còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ xả thải ra môi trường gây hậu quả nghiêm trọng trong khi hệ thống pháp luật về vấn đề này còn nhiều bất cập, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Số liệu thống kê của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy có 21 cơ quan đề xuất giám sát chuyên đề này trong đó có 19 đoàn ĐBQH, Ủy ban Quốc phòng an ninh, Viện nghiên cứu lập pháp” – ĐB Xuân nhấn mạnh.