Những năm gần đây, tầng lớp giàu và siêu giàu ở Việt Nam tăng rất nhanh. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có một dự án bất động sản (BĐS) nào có thể gọi là “hạng sang”, chuẩn 5 sao thật sự đi vào hoạt động. Nhiều chuyên gia tham dự tọa đàm “Nhận diện xu hướng và tiềm năng phát triển BĐS hàng hiệu” diễn ra hôm 11-10 cho rằng đây là điều đáng tiếc bởi phân khúc này có nhiều điểm cộng vượt trội.
Giá trị cao của bất động sản hàng hiệu
TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, cho rằng hiện đã có chủ đầu tư bắt đầu xây dựng những khu nhà ở đẹp, phát triển một số loại chung cư cao cấp có giá lên tới hàng triệu USD. Tuy nhiên, những chủ đầu tư nhắm vào phân khúc BĐS hàng hiệu vẫn còn dè dặt bởi lẽ khi bỏ ra khoản tiền đầu tư rất lớn mà bán hàng chậm thì sẽ ảnh hưởng lớn tới dòng tiền của doanh nghiệp.
“BĐS hàng hiệu tại Việt Nam chưa phát triển mạnh không phải do người dân không có tiền mà chủ yếu do người giàu chưa thay đổi thói quen, chưa tiếp nhận ở trong những dự án cao cấp mà ở đó bao gồm cả nơi làm việc, nhà ở, khu nghỉ dưỡng, tiện ích giải trí…” - TS Nghĩa nhận xét.
Số ít chủ đầu tư đang xây dựng những dự án thật sự cao cấp để phục vụ giới nhà giàu Việt. Ảnh: HUYỀN PHẠM
Nhà đầu tư tìm đến BĐS hàng hiệu với tâm lý chứng minh sự thành đạt, sự phát triển cả về trí tuệ và vật chất. Do đó, BĐS hàng hiệu không chỉ đơn thuần phô trương về sự giàu sang mà phải làm sao để trong một ngôi nhà, căn hộ thể hiện được giá trị về văn hóa cao lẫn đẳng cấp của người sử dụng.
Định nghĩa cụ thể hơn, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, nêu quan điểm: “Loại hình sản phẩm này luôn được quản lý, vận hành bởi thương hiệu chuyên nghiệp quốc tế, mang lại sự khác biệt cho cư dân thông qua dịch vụ tiện nghi đẳng cấp. Chủ nhân được trải nghiệm ngôi nhà ấm cúng của mình song vẫn không thiếu các dịch vụ tiện nghi như khách sạn 5 sao”.
Bà Dung cho biết hiện có nhiều chủ đầu tư đang lên kế hoạch phát triển BĐS hàng hiệu, nhiều trong số đó có vị trí rất đẹp.
Tốc độ hoàn vốn siêu nhanh
Theo TS Nghĩa, các BĐS hàng hiệu ở những TP lớn tại Mỹ, Anh và Hàn Quốc đều được phát triển ở khu trung tâm, thuận tiện về nhiều mặt, đặc biệt là gần gũi các tầng lớp tinh hoa của xã hội, lãnh đạo doanh nghiệp lớn… để họ dễ dàng giao lưu. Nếu nhà đầu tư chọn được cả địa lợi lẫn nhân hòa thì giá trị của BĐS hạng sang không bao giờ lỗ mà còn tăng lên nhanh hơn nhiều so với các loại khác. “Thông thường, tốc độ hoàn vốn của các BĐS này chỉ khoảng 7-10 năm là cùng” - ông Nghĩa khẳng định.
Theo nghiên cứu những năm gần đây, ở cùng một vị trí thì BĐS hàng hiệu có mức giá dao động 17%-91% so với BĐS khác trong cùng khu vực. Sự tăng giá dao động 20%-30% trong năm năm và biên độ tăng tùy vào từng thương hiệu quản lý, vị trí dự án.
Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam thừa nhận quỹ đất để phát triển BĐS hàng hiệu vẫn còn nhưng vô cùng khan hiếm. Bởi lẽ đây là những BĐS bắt buộc phải có vị trí ở trung tâm hoặc ở ven sông, ven biển, view thuộc hàng hiếm có. Giá BĐS hàng hiệu đương nhiên là trên “đỉnh”, do đó giá trị của loại hình này bền vững tới đâu, có tăng theo thời gian không, hay sản phẩm nhận được có tương xứng với giá trị không là những vấn đề mà nhà đầu tư rất quan tâm.